Năm 2025, các doanh nghiệp Đức tiếp tục ưu tiên đầu tư vào sản xuất bền vững và công nghệ xanh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư ngày càng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Đức. Năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của các doanh nghiệp Đức trong việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ở các lĩnh vực năng lượng xanh và sản xuất bền vững.
Thông tin từ Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) cho biết, tổng vốn đầu tư từ Đức vào Việt Nam trong năm nay đạt 3,6 tỷ USD, phân bổ chủ yếu vào các ngành sản xuất công nghệ cao, logistics và năng lượng tái tạo.
Nhà máy mới khai trương tại Long Thành, Đồng Nai của Pearl Polyurethane Systems
Nổi bật trong số các khoản đầu tư này là việc xây dựng nhà máy sản xuất trị giá 20 triệu USD của Ziehl-Abegg tại Đồng Nai. Dự án đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của công ty. Đây là bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Kärcher – công ty nổi tiếng với các giải pháp làm sạch sáng tạo, cũng đã thành lập một nhà máy sản xuất tại Quảng Nam, trị giá hơn 500 tỉ đồng. Nhà máy này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu các sản phẩm làm sạch sáng tạo, góp phần giảm thiểu tác động môi trường. Hay như Pearl Polyurethane Systems đã khai trương cơ sở mới tại Long Thành, Đồng Nai, đóng góp 1,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh này trong 9 tháng đầu năm 2024.
Tại TP. HCM, Đức hiện có 252 dự án đầu tư tại thành phố với tổng vốn đăng ký hơn 378 triệu USD, đứng thứ 14/122 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào TP.HCM.
Cùng với đó, xu hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Tại Diễn đàn FDI Xanh do GBA tổ chức vào tháng 3/2024, các chiến lược về tăng trưởng xanh đã được thảo luận, mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, gió và sinh khối. Đây là những lĩnh vực tiềm năng, phù hợp với thế mạnh công nghệ của Đức và mục tiêu giảm phát thải carbon của Việt Nam.
Chủ tịch GBA Alexander Ziehe cho biết, sự tăng trưởng liên tục về vốn đầu tư từ Đức phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, nổi lên như một trung tâm đầu tư với vị trí chiến lược, lực lượng lao động phát triển, cùng các sáng kiến của chính phủ hướng tới cải thiện cơ sở hạ tầng. “Các doanh nghiệp Đức không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn đóng vai trò đối tác chiến lược trong hành trình xây dựng nền kinh tế xanh của Việt Nam. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và kiên cường trước các thách thức toàn cầu”, Chủ tịch GBA Alexander Ziehe khẳng định.
Bước sang năm 2025, với cột mốc 50 năm quan hệ ngoại giao Việt – Đức và 30 năm thành lập GBA, các doanh nghiệp Đức tiếp tục ưu tiên các khoản đầu tư vào sản xuất bền vững, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
Bên cạnh đầu tư vào công nghệ, GBA cũng sẽ mở rộng các sáng kiến dạy nghề, đặc biệt là các chương trình giáo dục nghề nghiệp song hành theo mô hình của Đức. Những sáng kiến này sẽ trang bị cho lực lượng lao động Việt Nam những kỹ năng cần thiết để phát triển để thích ứng với nền kinh tế tương lai.