Là ngành công nghiệp trọng điểm nhưng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhỏ về quy mô, yếu về năng lực. Việc tăng tính liên kết hay phát triển để hút nguồn vốn FDI là những gợi ý của các chuyên gia nhằm tạo đòn bẩy cho ngành công nghiệp quan trọng này.
3 thách thức lớn
Theo Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, có 3 tồn tại lớn đối với ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay. Đầu tiên phải kể đến tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn thấp. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan triển lãm Năng lượng và Tự động hóa toàn cầu tại tỉnh Bình Dương
Thứ hai, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ sự phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhưng thực tế việc tiếp cận ưu đãi của Chính phủ còn có một số khó khăn từ việc phối hợp chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành. Hiện vẫn thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh về việc tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm đầu ra được áp dụng rộng rãi trong thực tế, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bù đắp rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Điều này đã phần nào hạn chế khả năng ứng dụng của các doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Thứ ba, mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, nhưng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực.
Trung tâm cơ khí ô tô tại nhà máy của Thaco Chu Lai, tỉnh Quảng Nam
Thu hút vốn FDI
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cho rằng, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần tập trung tiếp cận các tập đoàn lớn, có khả năng đầu tư vào ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Những tập đoàn này có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu, nếu đầu tư sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ thì không chỉ tăng được tiêu thụ nguyên vật liệu tại chỗ, tăng kim ngạch xuất khẩu sang các nước Bắc Âu mà còn tăng xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang các nước khác. Hiện một số tập đoàn công nghiệp lớn của Thuỵ Điển, Đan Mạch rất quan tâm và đang tìm hiểu khả năng đầu tư và liên kết với doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm cho ô tô. Do vậy, chúng ta cần thu hút đầu tư của các doanh nghiệp này về Việt Nam.
Để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Theo đó, Bộ Công Thương đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. Cụ thể, với Hàn Quốc đã phối hợp xây dựng nên Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK).
Bộ Công Thương cũng đã hợp tác với Tập đoàn Samsung Việt Nam, Toyota Việt Nam nhằm triển khai nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Có thể kể đến Chương trình hợp tác với Samsung đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực nghiệp hỗ trợ; Chương trình Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhằm nâng cao tính chủ động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Liên kết bền vững
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu nhưng việc phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tương xứng; tiềm năng lợi thế của từng địa phương, từng vùng kinh tế chưa được khai thác hết; nhiều địa phương chưa chủ động xây dựng, ban hành thực thi các chính sách riêng để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ…
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế cho rằng, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần xác định những “hạt giống tiềm năng”, có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu đàn. Từ thu hút tạo dựng được liên kết với các doanh nghiệp và các thể chế liên quan, tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững.
Còn theo ông Huỳnh Thanh Ðiền – chuyên gia kinh tế, trong chuỗi liên kết, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có vai trò quan trọng. Đây là trung tâm của chuỗi liên kết. Do vậy, các thành phố lớn cần dành quỹ đất thích hợp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi liên kết ngành, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ.
Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần sớm đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tiến tới kiến tạo chuỗi cung ứng “Made in Vietnam”. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ vốn từ cơ quan chức năng phải nhất quán, hạn chế thay đổi để giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, phát triển.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ thêm, để xây dựng nền công nghiệp tự chủ, cần có thêm cơ chế cho những doanh nghiệp đầu tàu. Đến giai đoạn này, chúng ta đã manh nha những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Đây sẽ là động lực dẫn dắt ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trong tương lai.