Selex Motor trở thành hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam thí điểm bán tín chỉ carbon, dự án nhà máy điện rác của VinaCapital cũng hướng tới bán loại tín chỉ này.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ngày 3/12 cho biết đang hợp tác với Selex Motor thí điểm dự án tín chỉ carbon cho xe máy điện tại Việt Nam. Đây là dự án tín chỉ carbon đầu tiên trong lĩnh vực xe điện tại Việt Nam, đã hoàn tất quy trình thẩm định và đăng ký quốc tế theo Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard).
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Nhà máy điện rác Phú Sơn, tháng 1/2024. Ảnh: Võ Thạnh
Dự án xe điện này sẽ bán tín chỉ trong 5 năm, với tổng lượng giảm phát thải dự kiến hơn 197.000 tCO2.
Các bước phát triển một dự án tín chỉ này gồm thiết kế, thẩm định, đăng ký, giám sát, thẩm tra, và ban hành tín chỉ. Dự án của Selex Motors đã hoàn tất khâu đăng ký. Mỗi bước còn lại mất chừng 3-6 tháng.
Một lĩnh vực khác của Việt Nam có tiềm năng bán tín chỉ carbon là điện rác. Ông Đỗ Sơn Thủy – chuyên gia Quỹ đầu tư VinaCarbon, VinaCapital – cho biết quỹ này dự kiến triển khai nhà máy điện rác đầu tiên tại Hà Nội vào 2025, sau đó nhân rộng, hướng mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của rác.
Dự án đang thí điểm với quy mô linh hoạt, chừng hơn 100 tấn rác mỗi ngày. Nguồn thu của dự án đến từ bán điện, sản phẩm tái chế, viên nén năng lượng, bán tín chỉ carbon cũng như tín chỉ nhựa. Tương tự tín chỉ carbon, tín chỉ nhựa là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đạt mục tiêu giảm sử dụng và trung hòa nhựa.
“Hành lang pháp lý hiện tại chưa rõ ràng nên hai loại tín chỉ này là nguồn thu tiềm năng tương lai”, ông Thủy nói.
Theo thống kê từ Gold Standard, Việt Nam có 72 dự án đã đăng ký, thẩm định, và cấp chứng nhận bán tín chỉ carbon. Có 39 dự án được cấp chứng nhận, chủ yếu trong lĩnh vực điện gió và khí sinh học (biogas).