Việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để thực hiện phát triển bền vững có nhiều thách thức, đặt ra yêu cầu phải chuẩn hóa và minh bạch tài chính, nếu không doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi thị trường.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị về tiếp cận nguồn tài chính xanh để chuyển đổi xanh
Ngày 28-5, phiên thảo luận: “Đổi mới chính sách vì một châu Á – Thái Bình Dương và cập nhật kỹ thuật số” diễn ra trong khuôn khổ chương trình Đối thoại châu Á – Thái Bình Dương, do Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức.
Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi, ông Lain Frew – đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam – cho rằng để đạt mức tăng trưởng và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tiếp tục duy trì tăng trưởng 6%.
Thách thức tăng trưởng nhanh gắn với xanh hóa
Ông đánh giá Việt Nam có lợi thế để đạt mục tiêu này như dân số trẻ, đang trong giai đoạn vàng, thị trường sôi động, có cam kết mạnh mẽ để duy trì ổn định và đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Tuy nhiên, ông Lain Frew cho rằng để đạt mục tiêu trên, Việt Nam có nhiều vấn đề phải đối mặt. Cụ thể, để tăng trưởng nhanh nhưng gắn với phát triển bền vững, xanh hóa, cần phải có sự đầu tư đáng kể cho giáo dục, con người và công nghệ, minh bạch tài chính.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Claudia Anselmi – tổng giám đốc Công ty May và Nhuộm Hưng Yên, phó chủ tịch của EuroCham – cho rằng phát triển xanh và chuyển đổi số để tạo ra lợi thế cạnh tranh, có vai trò chiến lược trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. Bởi nếu không đáp ứng các yêu cầu này, doanh nghiệp có nguy cơ sẽ bị loại ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên, bà Anselmi cho rằng thách thức đặt ra đó là kiến thức, sự hiểu biết về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn hạn chế.
Đặc biệt là chi phí đầu tư ban đầu rất cao, gồm đầu tư máy móc, công nghệ, trang thiết bị…
Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn tài chính xanh như ở Việt Nam khó khăn khi doanh nghiệp vừa và lớn chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, còn với doanh nghiệp nhỏ vốn chiếm đa số thì việc sử dụng nguồn tài chính xanh vẫn ở mức thấp.
Cần tài chính minh bạch tiếp cận vốn xanh
“Quá trình chuyển đổi xanh là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhưng song hành với cơ hội là thách thức và doanh nghiệp không thể nào một mình được vận hành, mà cần hoàn thiện và chuẩn hóa hệ thống tài chính, kế toán, cũng như cần sự hỗ trợ để đảm bảo thành công” – bà Anselmi nói.
Ông Pulkit Abrol, giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ACCA, đánh giá khẩu vị tài chính xanh ở ASEAN và Việt Nam đang tăng lên nhiều, bởi nhu cầu tài trợ, đầu tư, đặc biệt cho cơ sở hạ tầng để đạt mục tiêu phát triển bền vững và cam kết Net Zero ngày càng cao.
Cùng đó là nhu cầu về nhân lực tài chính, kế toán phục vụ cho tài chính xanh. Vì vậy, ông Abrol cho hay ACCA đang đưa ra nhiều chính sách cho phát triển tài chính xanh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong khu vực ASEAN như hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và chuẩn mực báo cáo tài chính.
Trong khi đó, bà Julia Tay, lãnh đạo chính sách công cộng châu Á – Thái Bình Dương (EY), cho rằng trở ngại lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi thực thi các tiêu chuẩn, quy định xanh đó là chiến lược, kỹ năng và sự hỗ trợ.
Theo đó, bà khuyến nghị các doanh nghiệp phải có chiến lược để sẵn sàng thực hiện các tiêu chuẩn, chứ không chờ đến khi tiêu chuẩn hay quy định được ban hành. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào sự chuyển đổi và đầu tư của doanh nghiệp về phát triển bền vững.