Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành…
Trong 11 tháng, sản xuất xe có động cơ tăng 18,3%. Ảnh: Trần Minh
Theo con số từ Tổng cục Thống kê vừa công bố, ngành công nghiệp (IIP) tháng 11.2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp hỗ trợ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Sản xuất sản phẩm từ caosu và plastic tăng 25,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 13,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,6%; dệt tăng 12,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,7%.
Một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao, gồm: Phú Thọ tăng 42,1%; Lai Châu tăng 39,9%; Bắc Giang tăng 28,3%; Quảng Nam tăng 20,7%; Thanh Hóa tăng 19,3%.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng và trở thành điểm sáng của kinh tế, nhưng theo các chuyên gia, để ngành sản xuất chế biến, chế tạo phát triển bền vững, trở thành động lực chính nâng cao năng suất chất lượng nền kinh tế cần tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất/nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế. Trong đó, có những giải pháp như: Cần tập trung cải tiến công nghệ, quản lý năng lực sản xuất và nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với xu hướng phát triển của thế giới và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành công nghệ trung bình và cao, giảm dần tỉ trọng của các ngành công nghiệp công nghệ thấp, có năng suất lao động thấp.
Khuyến khích các tập đoàn tư nhân lớn đi đầu trong phát triển, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và phát triển chuỗi giá trị nội địa, hỗ trợ cho chiến lược cạnh tranh thị trường quốc tế của các sản phẩm thế mạnh mang thương hiệu Việt Nam.
Trước đó, tại phiên họp khai mạc và công bố kế hoạch, chương trình hoạt động của Hội đồng thẩm định thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025 mới diễn ra, ông Phạm Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) – cho biết, các đề án thuộc chương trình tập trung vào các hoạt động chính bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.
Sự tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo không chỉ khẳng định nỗ lực của công nghiệp hỗ trợ mà còn cho thấy số lượng doanh nghiệp tham gia các hoạt động thuộc công nghiệp hỗ trợ ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu như quản trị sản xuất, quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.