TPHCM đang từng bước thực hiện các dự án lớn nhằm xử lý nước thải với mục tiêu trả lại màu xanh cho các con kênh bị ô nhiễm.
Nhà máy nước thải Bình Hưng giúp kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ lấy lại màu xanh.
Đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng làm sạch các dòng kênh
TPHCM đã chi hàng chục nghìn tỉ đồng để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và nạo vét các con kênh. Một trong những dự án lớn vừa được khánh thành là công trình mở rộng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, thuộc dự án Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 2 với tổng kinh phí khoảng 11.300 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA từ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng trong nước.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có khả năng xử lý 469.000m³ nước thải mỗi ngày, tăng 328.000m³ so với giai đoạn một. Nước thải từ các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh được thu gom và đưa về nhà máy qua trạm bơm Đồng Diều ở quận 8, trước khi đổ ra môi trường sau khi đã được xử lý đạt tiêu chuẩn.
Dự kiến, khi dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 3 hoàn thành, các tuyến kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ sẽ hoàn toàn được trả lại màu xanh, góp phần tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội, du lịch và giao thông thủy của thành phố.
Ngoài nhà máy Bình Hưng, TPHCM còn có hai nhà máy xử lý nước thải khác là Tham Lương – Bến Cát với công suất 131.000 m³/ngày và Bình Hưng Hòa với công suất 30.000 m³/ngày. Tuy nhiên, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị hiện chỉ đạt khoảng 40% lượng nước thải phát sinh mỗi ngày.
Nhằm nâng cao khả năng xử lý nước thải, TPHCM đang xây dựng thêm nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức) với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng, trong đó có 9.560 tỉ đồng là vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Khi hoàn thành vào năm 2025, nhà máy này sẽ có công suất xử lý lên đến 480.000m³/ngày, giúp nâng tỉ lệ xử lý nước thải toàn thành phố lên 71%. Nước thải từ các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và quận 2 cũ sẽ được thu gom và xử lý trước khi đổ ra sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
100% nước thải được xử lý vào năm 2030
Với tầm nhìn dài hạn, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ nước thải sinh hoạt tại 12 lưu vực thoát nước, với tổng khối lượng khoảng 3 triệu m³ mỗi ngày, sẽ được thu gom và xử lý. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn tạo điều kiện phát triển bền vững cho thành phố.
Một trong những dự án quan trọng trong mục tiêu này là dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên với mức đầu tư 8.200 tỉ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, giúp chống ngập và xử lý nước thải cho các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, và Bình Chánh.
Trong 2025, TPHCM sẽ tiếp tục khởi công hai dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương – Bến Cát với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng.
Theo Tiến sĩ Phạm Viết Thuận – Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên có hai nhánh chính và chịu hai chế độ chảy khác nhau. Khi thủy triều lên, nước sẽ chảy từ hướng quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp sang quận 12. Ngược lại, dòng chảy tự nhiên của con kênh này lại theo hướng từ quận 12 về quận Tân Phú và Bình Tân. Vì vậy, muốn giải cứu được con kênh này phải nắm rõ thủy hệ của nó mới đấu nối đưa nước về xử lý hợp lý.
Ngoài ra, theo ông Thuận, cần phải tách rời việc xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Tân Bình ra khỏi dự án, bởi việc xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp hoàn toàn khác. Nếu cứ để nước thải từ Khu công nghiệp Tân Bình hòa chung vào, sẽ không nhà máy nào có thể xử lý nổi.