Tuyên bố Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai bên cạnh Nhật Bản, AEON đặt năm 2024 là năm bản lề cho tầm nhìn trở thành doanh nghiệp OMO (online-merge-offline) số 1 tại Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh cùng lúc 3 trụ cột kinh doanh: phát triển trung tâm mua sắm, bán lẻ tổng hợp và dịch vụ tài chính.
Ông Furusawa Yasuyuki – Thành viên Ban Giám đốc điều hành của Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam
Tuyên bố Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai bên cạnh Nhật Bản, AEON đặt năm 2024 là năm bản lề cho tầm nhìn trở thành doanh nghiệp OMO (online-merge-offline) số 1 tại Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh cùng lúc 3 trụ cột kinh doanh: phát triển trung tâm mua sắm, bán lẻ tổng hợp và dịch vụ tài chính.
Tập đoàn AEON tại Việt Nam có 8 công ty gồm: AEON Việt Nam, AEONMall Việt Nam, AEON Topvalu Việt Nam, AEON Delight Việt Nam, Ministop Việt Nam, ASC Việt Nam (dịch vụ tài chính), AEON Fantasy Việt Nam và AEON Citimart.
Trong năm 2024, ông Furusawa Yasuyuki – Thành viên Ban Giám đốc điều hành của Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam – chia sẻ Tập đoàn dự kiến tăng tốc mở rộng địa điểm kinh doanh, gia tăng “điểm chạm” với khách hàng Việt Nam. Cụ thể, riêng với lĩnh vực bán lẻ tổng hợp, bên cạnh Trung tâm Bách hoá tổng hợp & Siêu thị tinh gọn AEON Nguyễn Văn Linh mới khai trương đầu tháng 4, AEON Huế sẽ đi vào vận hành vào cuối năm, và sẽ có 02 TT BHTH & ST khác sẽ khai trương trong năm nay.
“Mô hình TT BHTH & ST tinh gọn giống với AEON Bình Dương New City vừa khai trương năm 2023. Hiện, đây là một trong những mô hình thành công của AEON Việt Nam. Riêng tại đây, doanh thu năm 2023 vượt 50% kế hoạch đề ra, cho thấy chúng tôi đã đón đầu đúng nhu cầu của khách hàng”, ông Furusawa Yasuyuki nói.
Ngoài ra, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng những siêu thị nhỏ như AEON MaxValu; song song tăng tỷ trọng sản phẩm nhãn hàng riêng AEON TOPVALU sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn AEON nhằm đồng hành, hỗ trợ nhà cung cấp cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa, bên cạnh đó thêm các nhóm sản phẩm mới, chuyên môn hóa khu vực bán hàng với các cửa hàng chuyên doanh bên trong các Trung tâm Bách hoá tổng hợp & Siêu thị (My Closet, Sport & Activity, HÓME CÓORDY (đồ nội thất, gia dụng…) cũng như tăng cường hệ thống thương mại điện tử.
Nhận định về thị trường, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết dự kiến vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết nhìn lại năm 2023, so với nền tăng trưởng tốt trong năm 2022 (nhờ xu hướng mua sắm “trả thù” hậu Covid-19) cộng với nền kinh tế chững lại nên không mấy khả quan. Chưa kể, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá, lạm phát… đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và bán lẻ nói riêng.
“So với khu vực, AEON tại Việt Nam có tăng trưởng nhưng không cao bằng những năm trước. Sang năm 2024, tôi thấy suy thoái kinh tế đã chạm đáy, sẽ hồi phục và có tăng trưởng nhưng không tăng vọt lên mà sẽ chậm và từ từ. Khách hàng cũng còn xu hướng tiết kiệm chi tiêu. Do đó, các nhà bán lẻ nếu không để ý đến giá cả cũng như giỏ hàng cho phù hợp thì sẽ gặp khó khăn năm nay”, ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.
Riêng với AEON Việt Nam, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên 2023 dù khó khăn, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng 4-5% doanh số. Động lực theo vị này nhờ Tập đoàn sớm lên kế hoạch, chuẩn bị cho việc mở rộng địa điểm kinh doanh, cũng như thương lượng với nhà cung cấp để điều chỉnh phương thức mua hàng đầu vào, cải thiện hệ thống vận hành… từ đó giữ bình ổn giá thúc đẩy tiêu dùng khách hàng. Dù vậy, thực tế dù lượng khách hàng năm 2023 tăng, nhưng doanh thu không tăng tương ứng vì giá trị giỏ hàng không tăng.
Một yếu tố đáng chú ý khác theo đại diện AEON chính là sự thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng đang diễn ra rất nhanh, thậm chí từng ngày, dẫn đến thách thức buộc các nhà bán lẻ phải tăng tốc độ đáp ứng.
Với nhãn hàng riêng TOPVALU, AEON Việt Nam vừa hỗ trợ nhà cung cấp cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa và hướng đến gia tăng xuất khẩu
Tại AEON, đẩy mạnh kênh TMĐT AEONEshop là một trong số các chiến lược trọng tâm của Tập đoàn năm nay. Điều này cũng nằm trong tầm nhìn trở thành doanh nghiệp OMO (online-merge-offline) số 1 tại Việt Nam. Trong đó, AEON Việt Nam đã và đang thay đổi hệ thống cơ cấu tổ chức, hoàn thiện kênh TMĐT, tăng cường các “điểm tiếp xúc” trong toàn hệ thống.
“Nếu theo đúng mục tiêu lý tưởng thì AEON còn thiếu nhiều điểm tiếp xúc với khách hàng”, ông Furusawa Yasuyuki thẳng thắn thừa nhận. Do đó, thời gian tới, Tập đoàn xác nhận đầu tiên để triển khai được chiến lược OMO (trải nghiệm của khách hàng tại bất kỳ điểm mua sắm nào dù tại cửa hàng trực tiếp hay kênh trực tuyến cũng giống nhau) thì phải tăng cường “điểm chạm” tới khách hàng, không chỉ của AEON Việt Nam mà còn của các công ty khác trong tập đoàn.
Đây cũng là điểm mạnh của thương hiệu AEON trên thị trường bán lẻ rất cạnh tranh hiện nay, với 3 trụ cột phát triển trung tâm mua sắm, bán lẻ tổng hợp và cung cấp cả dịch vụ tài chính từ đó có thể phát triển nhiều nhất điểm tiếp xúc mua sắm, tăng trải nghiệm khách hàng.