KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 – 19.5.2020)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường trực tiếp tặng huy hiệu, huân huy chương cho các tập thể, cá nhân làm việc tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính những phần thưởng cao quý này đã có ý nghĩa quan trọng trong công tác giáo dục, động viên mọi tầng lớp người dân Việt Nam. Đây cũng được xem là sự ghi nhận, nguồn động lực giúp mỗi người dân Việt Nam tiếp tục cố gắng phấn đấu và cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Những chiếc Huy hiệu Bác Hồ trên ngực áo người lính
Dù đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, dân tộc, nhân dân ta vô cùng to lớn, quý giá và mãi mãi trường tồn. Trong số gần 300 hiện vật, hình ảnh và tài liệu được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trưng bày giới thiệu đã phần nào phản ánh vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự giáo dục, rèn luyện, sự quan tâm của Người đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nói về lịch sử của bộ sưu tập này, trung úy Trịnh Thu Hà – Cán bộ phòng Tuyên truyền, Giáo dục – cho biết, đây là bộ huy hiệu, huân huy chương mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các cuộc kháng chiến. Bên cạnh việc tập trung xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị và quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm, dành vô vàn tình cảm yêu thương cho các cán bộ, chiến sĩ.
Hướng dẫn viên giới thiệu về hình ảnh Bác Hồ thăm trận địa pháo, động viên các chiến sĩ bảo vệ bầu trời miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Phạm Đông
Theo lời kể của trung úy Hà, sinh thời, rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân ra trận địa, cùng làm công tác huấn luyện cũng như chiến đấu với lực lượng bộ đội. Đồng thời, Bác cũng thường xuyên thăm hỏi các đơn vị bộ đội cũng như các đơn vị quân nhu, tư vấn về bếp ăn, giấc ngủ của các chiến sĩ. Bên cạnh sự quan tâm, Bác còn dành tặng những phần quà như quần áo, huy hiệu, cờ và huân huy chương… động viên những tấm gương, tập thể điển hình xuất sắc để họ có động lực, cố gắng phấn đấu và cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng.
Về những chiếc huy hiệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Những chiếc huy hiệu Bác tặng luôn nằm trong ngực áo của người chiến sĩ trên con đường hành quân, khi ra trận. Mỗi khi nghĩ về Bác, ngắm chiếc huy hiệu cao quý Bác tặng thì mọi khó khăn, gian khổ người chiến sĩ ấy đều có thể vượt qua.
Tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hiện có bộ huân huy chương, huy hiệu chiến sĩ Điện Biên, ngôi sao đỏ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Đoàn vận tải Đại đội 203 – đại đội giành nhiều thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng thời cũng có huy hiệu Bác Hồ của Thượng tướng Văn Tiến Dũng – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam – được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng vào ngày 24.10.1967… Mỗi huân huy chương, huy hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng trực tiếp cho các đơn vị, chiến sĩ đều có ý nghĩa riêng, một phần thưởng cao quý biểu dương và ghi nhận sự cống hiến của từng đơn vị, từng người.
Sự quan tâm vô hạn của Bác với các chiến sĩ
Nói về những ý nghĩa của những tấm huy hiệu, huân huy chương cao quý mà Bác Hồ dành tặng cho cán bộ chiến sĩ quân đội đang được trưng bày tại bảo tàng, thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Tuyên truyền, Giáo dục – cho biết, ngoài việc động viên, khích lệ tinh thần các cán bộ chiến sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm tới sức khỏe, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của mỗi người.
Do đó, mỗi lần đến các đơn vị, Bác lại thăm các bếp ăn để hỏi về chế độ dinh dưỡng cho các cán bộ, chiến sĩ. Bác rất quan tâm đến việc xây dựng con người bằng những việc cụ thể như học hành, ăn uống và sinh hoạt của các cán bộ chiến sĩ. Bác luôn quan tâm, thương yêu đến mỗi người từ những việc nhỏ nhất, đời thường nhất.
“Đức tính giản dị cũng như thanh bạch của Người được thể hiện rất rõ về mặt hành động và lời nói. Về hành động, Bác luôn xuống đơn vị để tiếp xúc trực tiếp với các chiến sĩ, nhân dân để nắm bắt được tâm tư, tình cảm của mỗi người. Với nhân dân, Bác trực tiếp xuống ruộng để tát nước chống hạn giúp nhân dân, thể hiện đức tính thanh bạch, sự gần gũi tự nhiên” – Thiếu tá Dũng nói.
Cũng theo Thiếu tá Dũng, trong thời gian ở Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã cùng sống, cùng ăn, cùng ở với nhân dân, với các cán bộ chiến sĩ. Lúc đó cuộc sống thiếu thốn, bữa ăn đạm bạc giản dị chỉ có cá kho, cà muối, dưa chua… Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó Bác luôn sống với mọi người bằng những tình cảm đầm ấm, thấm đậm nghĩa đồng bào. Hình ảnh của Người là một biểu tượng đặc biệt, thân thuộc và sống động trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.
PHẠM ĐÔNG – TÙNG GIANG