Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có nội dung liên quan đến định hướng hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.
Liên quan đến vấn đề này, cử tri TP. Hồ Chí Minh phản ánh: Hiện nay nguồn rác thải từ các hộ dân, nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô lớn ngày càng phức tạp, nhiều loại rác thải nguy hại, khó phân hủy làm ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau. Cử tri đề nghị cần có nhiều giải pháp ưu tiên cho lĩnh vực vệ sinh môi trường, xử lý rác thải hơn nữa; triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải các loại nhất là rác công nghiệp, thống nhất việc phân loại rác tại nguồn.
Cũng theo cử tri TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh việc thu phí từ đóng góp của người dân cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đầu tư vào lĩnh vực này; có quy định hạn chế hoặc quản lý chặt chẽ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sản phẩm nhựa nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, khuyến khích các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cần sớm phát triển các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết:
Trong thời gian qua, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, xây dựng hoàn thiện các văn bản dưới luật.
Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã có nhiều quy định pháp luật mới liên quan đến quản lý chất thải, trong đó đối với nội dung liên quan đến ưu tiên, hỗ trợ bảo vệ môi trường đã được quy định từ Điều 141 đến Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường và từ Điều 131 đến Điều 137 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (trong đó có nội dung liên quan đến định hướng hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong Quý IV năm 2023.
Sau khi Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành sẽ là định hướng bảo vệ môi trường cho các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Từ đó, bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, yếu tố môi trường phải được tính đến trong từng hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, hài hòa với tự nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.
Những nguyên tắc này nhằm giảm tối đa lượng chất thải phát sinh ra môi trường, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của đất nước thời kỳ 2021-2030.