Theo kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội, đến hết năm 2020, thành phố sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm.
Thống kê cho thấy, thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Các làng nghề đã tạo việc làm cho nhiều lao động, song mặt trái là công tác bảo vệ môi trường chưa bảo đảm. Vì vậy, cử tri nhiều địa phương rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài tại các làng nghề…
(Ảnh minh họa)
Qua khảo sát, thành phố có 40 làng nghề ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, 12 làng nghề ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Vấn đề này đã được UBND thành phố chỉ đạo Sở TN&MT hướng dẫn các quận, huyện, thị xã có làng nghề rà soát, có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Riêng vấn đề xử lý nước thải, thành phố đang triển khai một số dự án có quy mô lớn. Trong đó, Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), công suất 20.000 m3/ngày – đêm đã vận hành từ tháng 10/2016. Hiện thành phố đang chỉ đạo xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) và hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)… Đến nay, 21/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 49%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải còn chậm, do dự án cần nguồn vốn lớn, khó bảo đảm tiến độ vì phải cân đối nguồn lực, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Cùng với đó, các hộ sản xuất phân tán nhỏ lẻ trong làng nghề, hầu hết đều tận dụng diện tích đất ở để làm nhà xưởng với quy mô sản xuất nhỏ, tự phát cũng là một khó khăn.
Để giải quyết “bài toán” ô nhiễm làng nghề đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn của các cơ quan chức năng cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân địa phương. Bởi thực tế, việc thu gom, xử lý chất thải sản xuất ở nhiều nơi vẫn được thải chung với đường cống thoát nước sinh hoạt của làng nghề và không qua xử lý. Nếu thực tế trên không giải quyết sớm, việc khắc phục sẽ càng khó khăn và tốn kém hơn.