Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Phát biểu tại diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, điều kiện, bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn, song, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trên con đường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt khi đánh giá các tiêu chuẩn ESG.
Tín dụng xanh đang tăng nhanh.
Theo Phó Thống đốc, ngành Ngân hàng với tư cách là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, xuất phát từ bốn yếu tố:
Thứ nhất, sự gia tăng các quy định về ESG đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ và cập nhật liên tục những đổi mới trong quy định và chính sách để ngày càng thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội;
Thứ hai, nâng cao uy tín của ngân hàng thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan đến ESG;
Thứ ba, cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, vì rủi ro ESG không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng);
Thứ tư, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm tín dụng trong quá trình tiếp nhận các dòng vốn đầu tư xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế khi áp dụng ESG.
Mới đây, triển khai nhiệm vụ được giao trong thi hành Luật Bảo vệ môi trường (2020), NHNN đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 1/6/2023.
Đây là quy định bắt buộc các TCTD thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các nhóm dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường đã được quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ….
Nhiều TCTD, trên cơ sở quy định của NHNN, đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.
Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.
Đến 31/3 năm nay, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết, sau khi thực hiện chuyển đổi số từ năm 2017, đến nay BIDV đang thực hiện chuyển đổi xanh. Sự chuyển đổi này được ông Phương ví von là đang làm “xanh hoá” tài sản của BIDV khi trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh.
“Bên cạnh chuyển đổi số, BIDV cũng là ngân hàng tiên phong trên thị trường trong chuyển đổi xanh. Trong những năm qua BIDV đã chú trọng cho vay, tài trợ phát triển bền vững, đặc biệt đối với các khách hàng là doanh nghiệp dệt may có chứng chỉ môi trường bền vững. Nhiều gói tín dụng liên quan đến phát triển bền vững như cho vay đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo.”, ông Phó Tổng Giám đốc BIDV nói.
Về kế hoạch của ngành Ngân hàng trong thực hành ESG thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp.