Nhiều đơn vị đang đầu tư các dự án hỗ trợ Hà Nội xây dựng thành phố thông minh.
Quang cảnh Hội thảo Chuyên đề Ngày thẻ Việt Nam 2024 – Hà Nội – Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở. Ảnh: Ban Tổ chức
Sáng ngày 2.10, Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề Ngày thẻ Việt Nam 2024 – “Hà Nội – Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở”.
Tại Hội thảo, bà Trần Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội – cho biết hiện nay, đơn vị đã trình Đề án giao thông thông minh, theo 3 giai đoạn, trong đó có việc hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh năm 2025; đề xuất 9 chức năng và đầu tư các thiết bị thông minh.
Trung tâm tâm điều hành giao thông thông minh sẽ hoạt động trên cơ sở học hỏi kĩ thuật hiện đại của các nước tiên tiến, đảm bảo phù hợp với Luật Giao thông đường bộ để đưa ra lộ trình điều tiết giao thông phù hợp, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc.
Hiện tại, theo danh mục dữ liệu mở năm 2025 về giao thông, TP. Hà Nội sẽ tích hợp dữ liệu về các tuyến đường nội đô, các điểm đỗ xe, cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe, hệ thống đèn đường, biển báo, danh sách các tuyến đường cấm trên địa bàn thành phố.
Riêng trong năm nay, thành phố đã chỉ đạo tích hợp dữ liệu giao thông lên ứng dụng iHaNoi (công dân Thủ đô số), và được người dân cài đặt rất nhiều. Qua đó người dân có thể tiếp cận nhiều hơn với cơ sở dữ liệu giao thông của thành phố.
Trao đổi về xu hướng phát triển đô thị thông minh trên thế giới và những việc Hà Nội cần làm để trở thành đô thị thông minh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – TS Nguyễn Quân cho biết: Công cuộc chuyển đổi số đối với các đô thị, xây dựng thành phố thông minh là một quá trình phức tạp, nếu thành công sẽ đem lại sức sống mới cho đô thị. Hà Nội hiện nay là thành phố lớn, là một “mega city” với hơn 10 triệu dân, tốc độ phát triển rất nhanh, đặt ra các vấn đề điều hành, quản lý theo xu hướng thông minh. Dù Hà Nội đã có nhiều thành công, thành tựu trong xây dựng thành phố thông minh, nhưng đó mới là kết quả bước đầu và còn chậm so với thế giới. Các dự án thông minh về giáo dục, y tế, dịch vụ công, giao dịch trực tuyến còn nhiều vấn đề, chưa đồng bộ với quy hoạch của thành phố. Đó là thách thức, nhưng tôi tin Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện để xây dựng thành phố thông minh.
Dự án hỗ trợ Hà Nội xây dựng thành phố thông minh
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Đoàn Hồng Nhung – thành viên ban điều hành, Giám đốc khối Bán lẻ, Ngân hàng Vietcombank – cho biết, hiện Vietcombank đã có nhiều giải pháp liên quan đến dịch vụ công, thanh toán tiện ích, ischool, học phí, viện phí.
Nhân viên xe bus đang sử dụng QR trên mobile cho khách hàng thanh toán không cần vé giấy. Vietcombank đề xuất giải pháp mobileking phát hành thẻ dư nợ để tích hợp dịch vụ này, rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch của khách hàng.
Vietcombank đang phối hợp nhiều hoạt động với Cục Cảnh sát về quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), trong đó có ứng dụng dữ liệu cá nhân trong các hoạt động thanh toán giao thông thông minh không dùng tiền mặt. Tới đây tiên phong trong việc gửi xe, đỗ xe không dùng tiền mặt. Những thay đổi nhỏ nhưng mang lại chuẩn 2S là sạch và số như Ngân hàng Nhà nước mong muốn. Hiện nay thành phố dùng QR để trả phí đỗ xe nhưng thời gian tới nên dùng VNeID thì tốt hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Napas phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Ban Tổ chức.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Napas, cho biết, Napas đang định hướng phát triển “số hoá thanh toán” để hỗ trợ thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác xây dựng đô thị thông minh.
Hiện nay, Napas đang đẩy mạnh số hoá, thanh toán qua điện thoại di động: Chuyển tiền nhanh 24/7, sử dụng thanh toán các dịch vụ, kể cả dịch vụ công. Napas hợp tác với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ứng dụng VnEid… Các dịch vụ công như cấp phiếu lý lịch tư pháp có thể triển khai qua ứng dụng VNeID và thanh toán phí qua ứng dụng Napas trên điện thoại di động, từ nguồn tiền thẻ, tài khoản…
Cùng với đó, Napas đang đẩy mạnh tích hợp số hoá trên điện thoại di động; tích hợp thẻ trên điện thoại di động, hướng tới việc sử dụng điện thoại di động để “thanh toán thông minh” nhiều dịch vụ.
Hiện Napas đang thí điểm thanh toán vé xe điện Vinbus; đang tiếp tục đề xuất phối hợp mở rộng thanh toán với các tuyến xe buýt khác, các điểm giao thông công cộng, hướng tới phục vụ người dân “thanh toán thông minh” khi sử dụng dịch vụ.
Theo Lao động