Những ngày này, có dịp về thăm huyện nông thôn mới Xuân Lộc (Đồng Nai) đi trên trục đường chính vào các xã, chúng tôi như lạc vào khu du lịch đồng quê với đường nội thôn được thảm bê tông rộng rãi, sạch sẽ, hai bên đường nhà cao tầng mọc lên san sát, ngập tràn sắc hoa, minh chứng cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây.
Xác định xây dựng NTM đòi hỏi nguồn vốn lớn, ngân sách nhà nước đầu tư các công trình thiết yếu, có sức lan tỏa, tạo động lực, niềm tin cho người dân, nhưng đó mới là vốn mồi, cần phải huy động tổng hợp các nguồn lực: vốn cộng đồng, vốn doanh nghiệp và vốn của các tổ chức tín dụng. Nhận thức được vai trò chủ đạo của người dân trong công cuộc xây dựng NTM huyện Xuân Lộc đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giải thích cặn kẽ giúp người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm đối với công cuộc đổi mới diện mạo nông thôn, nơi mình sinh sống.
Một góc phố huyện Xuân Lộc
Qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện đã huy động được trên 23 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách chỉ hơn 11%, còn lại là nguồn vốn xã hội (hóa gần 90%). Đặc biệt, huyện có 91,3% trường đạt chuẩn quốc gia, cao nhất so với các huyện trong tỉnh. Toàn huyện cũng đã thực hiện 1.179 công trình xã hội hóa về giao thông, điện với tổng mức đầu tư gần 798 tỷ đồng.
Xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, thời gian qua, xã đã đẩy mạnh ứng dụng tiến độ KHKT vào đồng ruộng và cơ giới hóa các khâu sản xuất; khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác. Đây cũng là những mục tiêu huyện Xuân Lộc luôn đặt lên hàng đầu trong xây dựng NTM. Sản xuất nông nghiệp của huyện đã hình thành các vùng chuyên canh có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị cao như vùng sản xuất xoài 1,4 ngàn ha, hồ tiêu 2,2 ngàn ha, 1,4 ngàn ha chôm chôm, 500 ha thanh long ruột đỏ…
Toàn huyện có trên 7 ngàn ha canh tác ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động; hầu hết các xã đều có mô hình ứng dụng công nghệ cao, như nhà lưới, nhà màng, nhà kính. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong 10 năm xây dựng NTM không ngừng tăng lên, từ 19 triệu đồng/người vào năm 2010, lên gần gấp 2 lần vào năm 2014 và gần gấp 3 lần vào năm 2018 với mức gần 54,9 triệu đồng/người/năm.
Toàn huyện có trên 7 ngàn ha canh tác ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động; hầu hết các xã đều có mô hình ứng dụng công nghệ cao, như nhà lưới, nhà màng, nhà kính. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong 10 năm xây dựng NTM không ngừng tăng lên, từ 19 triệu đồng/người vào năm 2010, lên gần gấp 2 lần vào năm 2014 và gần gấp 3 lần vào năm 2018 với mức gần 54,9 triệu đồng/người/năm.
Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2014 nhưng Xuân Lộc không bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà tiếp tục đoàn kết một lòng chung sức xây dựng quê hương, quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2025.
Hiện Xuân Lộc đang tập trung mọi nguồn lực triển khai phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, phấn đấu về đích đúng hoặc sớm hơn so với mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của Xuân Lộc khi đó sẽ đạt khoảng 83 triệu đồng/người/năm.
Theo đề án, Xuân Lộc sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn. Nâng cấp một số tuyến đường lớn và duy tu, sửa chữa các tuyến đường ngõ xóm. Việc tiếp tục đưa điện lưới đến các vùng sản xuất được quan tâm, địa phương còn khuyến khích người dân làm điện mặt trời tại khu dân cư nông thôn ở xã Xuân Định.
Về Xuân Lộc bây giờ, người ta dễ dàng nhận thấy bộ mặt làng quê thay đổi chóng mặt chỉ sau vài năm người dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Đó là những cánh đồng cây trái bát ngát, những tuyến đường bê tông kiên cố trải khắp từ khu dân cư ra ruộng rẫy, là những bóng đèn đường soi sáng mỗi khi đêm về, là trường học, nhà văn hóa, trạm y tế khang trang…
Qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại 14 xã trên địa bàn huyện, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm và có những chuyển biến tích cực. Hệ thống cấp nước sạch được đầu tư và vận hành; cảnh quan khu vực nông thôn được cải tạo, nâng cấp; xây dựng và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường nông thôn… góp phần duy trì và nâng chất tiêu chí số 17 về môi trường.
Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường trong khu dân cư; ứng dụng khoa học, công nghệ trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải, nước thải từ hộ gia đình; mô hình xã, ấp xanh – sạch – đẹp, an toàn. Hằng năm, xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và chuồng trại tại các hộ chăn nuôi nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả tiêu chí này đã góp phần quan trọng mang lại cho nhân dân ở khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Xuân Lộc có chất lượng cuộc sống tốt hơn, một bầu không khí sạch hơn và nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chung tay cùng chính quyền BVMT của địa phương mình ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Xuân Hiền