EVN đề xuất thí điểm giá điện hai thành phần theo từng giai đoạn với một số nhóm khách hàng dùng lượng điện lớn (sản xuất, kinh doanh…).
Việt Nam đang áp dụng giá điện một thành phần, tức tiền trả theo sản lượng dùng. Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp…) cho mỗi khách hàng.
Tại báo cáo Đề án giá điện hai thành phần gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất thí điểm cơ chế này, gồm giá theo sản lượng điện tiêu thụ và công suất đăng ký. Khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, họ vẫn phải trả chi phí này, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay.
Trước mắt việc thí điểm áp dụng cho nhóm khách hàng sản xuất có tiêu thụ lượng điện lớn, chia theo 3 cấp điện áp gồm cao áp (từ 110 kV trở lên), trung áp (từ 6 kV đến dưới 110 kV trở lên) và hạ áp (dưới 6 kV). Trong đó, giá công suất (đồng/kW/tháng) dự kiến được tính theo cấp điện áp, còn giá điện năng (đồng/kWh) áp theo giờ bình thường – cao – thấp điểm.
Khi xây dựng đề án, đơn vị tư vấn đề xuất giá công suất điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm. Giá điện năng thì theo mức thay đổi của giá bán lẻ bình quân. Tuy nhiên, EVN cho rằng giá bán lẻ bình quân được điều chỉnh theo cơ chế tại Quyết định 05/2024 của Thủ tướng, tức có thể thay đổi 3 tháng một lần khi các chỉ số đầu vào biến động. Vì thế, giá công suất hằng năm tự động điều chỉnh theo CPI là chưa phù hợp. Tập đoàn này kiến nghị Bộ Công Thương xem xét theo hướng giá công suất và điện năng điều chỉnh bằng tỷ lệ giá bán lẻ điện bình quân và phạm vi +/- 2% so với tỷ lệ tại biểu giá hai thành phần.
Về lộ trình, theo EVN, đơn vị tư vấn đưa ra hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thử nghiệm “trên dữ liệu thời gian thực” nhưng vẫn dùng biểu giá bán lẻ hiện hành để tính hóa đơn tiền điện, thực hiện hết năm 2024. Kết quả tính toán này sẽ dùng để so sánh, đánh giá và có điều chỉnh phù hợp hoàn thiện biểu giá. Cũng trong giai đoạn này, các văn bản pháp lý sẽ được chuẩn bị nhằm sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi – áp dụng chính thức giá hai thành phần.
Sau giai đoạn này, đơn vị tư vấn đề xuất áp dụng giá hai thành phần thí điểm cho khách hàng sản xuất lớn trong tập khách hàng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), theo Nghị định 80/2024. Tức là, việc thí điểm được đề xuất cho khoảng 7.000 khách hàng có lượng tiêu thụ điện trung bình từ 200.000 kWh mỗi tháng. Các nhóm khách hàng khác tiếp tục thực hiện biểu giá hiện hành.
EVN cho rằng việc lựa chọn nhóm khách hàng thuộc cơ chế DPPA để thí điểm là “thận trọng, có thể xem xét trong giai đoạn hiện nay”.
Tuy vậy, theo EVN, trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu chưa nên thanh toán theo biểu giá hai thành phần cho các khách hàng tham gia, thay vào đó vẫn trả tiền như biểu giá hiện hành. “Việc áp dụng, thanh toán chính thức khi đủ các văn bản pháp lý hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, theo EVN.
Đơn vị tư vấn đề xuất thời điểm thí điểm từ 1/1/2025, nhưng EVN cho rằng việc chốt thời gian thực hiện, đối tượng áp dụng cơ chế giá này cần được Thủ tướng, Bộ Công Thương hướng dẫn. Cùng với đó, việc thay đổi cơ chế tính giá điện cần được xem xét kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp.
Thực tế, cải cách cơ chế giá bán lẻ điện cần được xem xét trong thời điểm Việt Nam đang chuyển đổi sang cơ chế thị trường phát điện, bán buôn, bán lẻ điện. Song, việc áp dụng giá hai thành phần sẽ tác động đến các nhóm khách hàng, các hộ sử dụng điện do số tiền phải thanh toán của khách hàng có thể tăng hoặc giảm so với cơ chế hiện nay.
“Điều này sẽ tạo ra phản ứng trái chiều trong dư luận, dễ bị các đối tượng lợi dụng khi không nắm được bản chất sự việc. Do đó, cần phải truyền thông để tạo đồng thuận”, EVN cho biết.