Hà Nội tiếp tục thống trị trên bảng xếp hạng về độ đắt đỏ. Đây là kết quả vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2023 (SCOLI).
Cái gì cũng đắt
Đây không phải là thông tin mới bởi từ khi SCOLI được công bố năm 2015, tức là theo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2014 thì TP Hồ Chí Minh đắt đỏ nhất, sau đó thì Hà Nội đứng số 1 về độ đắt đỏ từ đó đến nay.
Những ngày cuối tháng 3.2024, anh Nguyễn Quang Hòa từ TPHCM ra Hà Nội và đã được “nếm” sự đắt đỏ này theo đúng nghĩa đen.
Anh cùng một người bạn ra Hà Nội và tìm đến một quán ốc luộc trên phố Đinh Liệt – trung tâm Hà Nội. Kết quả 2 bát ốc luộc, 1 gói nem bùi, 2 cốc trà đá tất cả đều trên cái ghế vỉa hè tiêu tốn 240.000 đồng chưa kể 10.000 đồng gửi xe máy ở ngõ bên cạnh. Điều gì làm nên một bát ốc rất bình dân ấy có giá gần 100.000 đồng? Và thực tế cũng bát ốc ấy nếu ở TPHCM hay địa phương khác, có lẽ không quá 40.000 đồng.
Sự đắt đỏ không chỉ dừng lại ở bát ốc hay cốc trà đá vỉa hè ở nơi gọi là “trên phố” mà còn rõ rệt ở giá nhà chung cư đang tăng chóng mặt.
Theo phản ánh từ Báo Lao Động thì giá chung cư, nhất là chung cư cũ Hà Nội đã lên tới 50-80 triệu đồng/m2 tùy khu vực.
Tính đến đầu năm 2024, theo nghiên cứu mới nhất của NetCredit, Thủ đô của Việt Nam tiếp tục đối mặt với thách thức lớn khi giá nhà chung cư tăng đến 77% trong năm qua, tương đương với mức giá bằng 45 năm thu nhập bình quân của người lao động.
Báo cáo thị trường nhà ở và bất động sản quý IV/2023 của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, mặc dù nhiều phân khúc thị trường bất động sản giảm sút và đóng băng, phân khúc căn hộ chung cư tại Hà Nội vẫn duy trì đà tăng giá liên tục. Con số 45 năm nêu trên không phải là bất bình thường khi cuối năm 2023, LĐLĐ Hà Nội đưa ra con số thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.
Chi phí cao nhưng không dễ sống
Tại Chỉ số SCOLI 2023, ngoài Hà Nội “bất động” với vị trí số 1 là nơi đắt đỏ nhất cả nước thì một số địa phương khác cũng có biến thiên. TP Hồ Chí Minh trở lại Top 2 đắt đỏ sau nhiều năm bị Quảng Ninh soán ngôi.
Đứng thứ 4 là Hải Phòng. Điều đáng ngạc nhiên là năm 2022, Hải Phòng “chỉ đứng” thứ 11, nay đã tăng 7 bậc. Vị trí thứ 5 là Bình Dương.
Các thành phố có xu hướng rẻ đi có thể kể đến Bà Rịa – Vũng Tàu từ Top 5 đã lùi xuống hàng thứ 13, Đà Nẵng từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 8.
So sánh mặt bằng giá cả giữa Hà Nội và TPHCM, Tổng cục thống kê chỉ ra: Một số nhóm hàng của Thành phố Hồ Chí Minh có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội: May mặc, mũ nón và giày dép bằng 81,99%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,87%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,93%.
Lý giải điều này, Tổng cục thống kê cho rằng: Bên cạnh nguồn cung hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, TPHCM đã đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hóa, theo đó giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn so với Hà Nội. Tuy nhiên, TPHCM có một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bằng 120,52%; giáo dục bằng 116,86%; đồ uống và thuốc lá bằng 114,52%.
Điều đáng nói, dù là nơi đắt đỏ nhất cả nước nhưng thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội không phải đứng đầu.