Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 12/5 đa số các cửa hàng vàng giữ giá vàng 9999 gần như không đổi ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 12/5, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 47,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,10 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 47,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,37 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng hôm nay 13/5 trên thị trường thế giới đứng khá vững trên cao do đồng USD quay đầu giảm trong bối cảnh giới đầu tư thận trọng với nỗ lực tái mở cửa nền kinh tế của chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Đêm 12/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.702 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.708 USD/ounce. Giá vàng hôm nay cao hơn 32,7% (419 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 47,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 1 triệu đồng so với vàng trong nước.
(Ảnh minh họa)
Giá vàng thế giới đứng khá vững ở mức cao trên 1.700 USD/ounce do đồng USD quay đầu giảm trong bối cảnh giới đầu tư thận trọng với nỗ lực tái mở cửa nền kinh tế của chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Trên Kitco, một chuyên gia đến từ Oanda cho biết, việc đồng USD giảm xuống dưới đáy tháng 4 đã mang tới một cú huých đối với vàng.
Vàng vững giá trên ngưỡng 1.700 USD/ounce còn do lạm phát của Mỹ trong tháng trước rớt mạnh bởi tất cả các dịch vụ không thiết yếu đã bị đóng cửa trong tháng 4 và người tiêu dùng Mỹ được yêu cầu ở nhà để giảm sự lây lan dịch bệnh.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số CPI tháng 4 giảm 0,8% (dẫn đầu bởi giá xăng dầu giảm kỷ lục), sau khi đã giảm 0,4% trong tháng 3. Số liệu này yếu hơn so với dự báo 0,7%. Dự báo trong cả năm, lạm phát sẽ tăng 0,3%.
Vàng tăng giá trong bối cảnh các thị trường chứng khoán biến động không có xu hướng và giới đầu tư đang đánh giá khả năng hồi phục của các nền kinh tế trong bối cảnh rất có thể một làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19.
Trong một diễn biến mới nhất, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố cơ quan này lần đầu tiên trong lịch sử sẽ bắt đầu mua trái phiếu doanh nghiệp của các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) trong một nỗ lực nhằm bôi trơn hệ thống tài chính Mỹ.
Những động thái bơm tiền liên tục của Fed gây áp lực giảm giá lên đồng USD.
Trong quý 1, theo những số liệu mới công bố, nhập khẩu vàng của Mỹ tăng 168% so với cùng kỳ năm trước lên 4,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu giảm.
Vàng tăng giá còn do những tín hiệu xấu từ các tâm dịch trên thế giới, trong đó có Vũ Hán, Trung Quốc. Thành phố này vừa chứng kiến một ổ dịch mới với 5 ca nhiễm hôm 11/5. Còn tại Hàn Quốc, ổ dịch mới có liên quan đến 5 quán bar và hộp đêm tại Itaewon. Tại Đức, số ca nhiễm cũng đang tăng trở lại sau khi nước này nới lỏng một số biện pháp hạn chế dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và Úc-Trung leo thang cũng là các yếu tố hỗ trợ cho vàng.
Mặt hàng kim loại quý được dự báo sẽ còn tăng mạnh do các mức kích thích tiền tệ ở mức kỷ lục, cao gấp nhiều lần so với những gì đã được thực hiện trong năm 2008.