Ngân hàng Nhà nước đã công bố giảm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống và yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%/năm so với mức hiện tại kể từ ngày 13-5.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (lãi suất OMO) từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
(Ảnh minh họa)
Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm còn trần lãi suất tiền gửi từ không kỳ hạn đến dưới 1 tháng giảm từ 0,5% xuống 0,2%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên (5 lĩnh vực ưu tiên) giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Liên quan đến lãi suất tiền gửi, khảo sát của chúng tôi trên thị trường cho thấy, trước khi có quyết định hạ lãi suất từ ngày 13/5 thì lãi suất huy động vốn kỳ hạn dưới 6 tháng thấp nhất thuộc về nhóm 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống và Techcombank với phổ biến là 4,1 – 4,3%/năm, trong khi các ngân hàng còn lại là từ 4,5 – 4,75%/năm, trong đó các ngân hàng nhỏ đều niêm yết cao kịch trần. Do NHNN áp trần lãi suất nên sự chênh lệch hầu như không đáng kể cho các khoản tiền gửi ngắn hạn.
Tuy nhiên ở các khoản tiền gửi dài hạn từ 6 tháng trở lên, do được NHNN thả nổi theo nhu cầu của từng ngân hàng nên có sự chênh lệch lãi suất rất lớn. Trong đó ở những ngân hàng thương mại nhà nước lãi cao nhất chỉ 6,8 – 7%/năm trong khi nhóm ngân hàng tư nhân cao nhất lên đến trên 8%/năm, thậm chí là hơn 9%/năm cho các khoản tiền gửi lớn của doanh nghiệp (ví dụ ở SHB công bố trả 9,2% nếu có 500 tỷ đồng gửi trên 1 năm).
Do tác động của dịch bệnh Covid-19, một số ý kiến cho rằng NHNN nên áp dụng cả trần lãi suất tiền gửi dài hạn để qua đó kéo lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống. Tuy nhiên phần lớn các ý kiến của chuyên gia tin rằng việc áp trần như vậy là không cần thiết, thậm chí điều đó còn có thể ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của hệ thống khi mà các ngân hàng nhỏ hầu hết đang phải dùng lãi suất để cạnh tranh với các ngân hàng lớn trong việc thu hút tiền gửi.
Hơn nữa việc hạ lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay cũng được thực hiện tốt bởi các ngân hàng tự tiết giảm chi phí và cắt giảm lợi nhuận. So với mặt bằng lãi suất cho vay cũ trước khi xảy ra dịch bệnh, hiện các ngân hàng cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 – 4%/năm.
VĂN HIỀN(T/h)