Theo Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023, Hà Nội là thành phố dẫn đầu, đạt 62.86 điểm. Xếp thứ hai là TPHCM, với 55.85 điểm.
Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt công bố bộ chỉ số về đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023
Chiều 12/3, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp báo, công bố kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 sau một năm xây dựng.
Có tên viết tắt là PII, bộ chỉ số lần đầu tiên được Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, Bộ KH&CN xây dựng, công bố. Bộ chỉ số cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng KH&CN cho biết, bộ chỉ số là tài liệu hữu ích, cung cấp căn cứ khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy phát triển, cũng như cung cấp thông tin hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương.
Theo bộ chỉ số, Hà Nội xếp đầu cả nước với 14 trong 52 chỉ số thành phần đều nằm ở vị trí top 1. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ đầu tư cho nhân lực, chi phí cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu phát triển cao.
Các địa phương dẫn đầu chỉ số PII theo vùng kinh tế
Cùng với đó, Hà Nội cũng có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích… đều dẫn đầu trên quy mô cả nước.
Do vậy, Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào dựa trên các tiêu chí đổi mới sáng tạo. Đứng thứ hai là TPHCM, với 12 chỉ số dẫn đầu trong 52 chỉ số thành phần có điểm cao.
TPHCM được đánh giá là có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và một số sản phẩm về tài sản trí tuệ ở mức cao.
Trong top 5 về chỉ số đổi mới sáng tạo, ngoài Hà Nội và TPHCM, lần lượt là các địa phương: Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Top 10 có thêm Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh và Thái Nguyên.
Mặc dù bộ chỉ số cho thấy rõ thứ bậc xếp hạng giữa các địa phương, song theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc so sánh này chỉ mang tính tương đối.
“Việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối, không phải là mục đích chính của bộ chỉ số, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau”, Bộ trưởng lý giải.
Được biết, Việt Nam là quốc gia thứ 5 có bộ chỉ số về đổi mới sáng tạo, sau Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ.
Theo chia sẻ từ người đứng đầu Bộ KH&CN, dữ liệu phục vụ xây dựng Bộ Chỉ số PII 2023 được lấy từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất từ số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở trung ương (có 39/52 chỉ số).
Nguồn thứ hai của bộ chỉ số do các địa phương thu thập và cung cấp – kèm theo các tài liệu minh chứng (có 13/52 chỉ số).
Việc tính toán chỉ số dựa vào các chuẩn mực quốc tế do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) giới thiệu từ năm 2022. Sau đó, dữ liệu được gửi tới chuyên gia quốc tế độc lập để đánh giá trên nhiều góc độ như phương pháp thiết kế, độ tin cậy của dữ liệu, kỹ thuật tính toán…
Theo đó, các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu trong bộ chỉ số đều là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), có Ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động KHCN và Đổi mới Sáng tạo mạnh mẽ.
Ngược lại, các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển Kinh tế – Xã hội, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng KHCN và Đổi mới Sáng tạo vào phát triển Kinh tế – Xã hội (tập trung ở các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc).