Bí thư Hải Phòng nói, địa phương muốn thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển, chiều 10/4, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để phát triển bền vững. “Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”, ông nói.
Bí thư Hải Phòng Lê Tiến Châu tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển.
10 năm thực hiện chiến lược này, Hải Phòng luôn thuộc nhóm dẫn đầu về tăng trưởng. Năm ngoái, tốc độ tăng GRDP đạt trên 10,3%, duy trì 9 năm liên tiếp tăng trưởng ở mức hai con số.
Ông Lê Tiến Châu Bí thư Hải Phòng cho biết, thành phố đề xuất với Chính phủ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Theo đề án đưa ra trước đó, tổng diện tích Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng khoảng 20.000 ha, gồm quận Đồ Sơn và 5 huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo. Khu kinh tế được định hướng đầu tư khu thương mại tự do, ưu tiên phát triển các dự án khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển. Khu kinh tế dự kiến cũng tận dụng lợi thế của quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn và cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.
Thành phố đồng thời muốn phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch xanh, theo Bí thư Hải Phòng.
“Địa phương rất muốn nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương khác với đề xuất này”, ông nói.
Ông cũng chia sẻ, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp tính đến điều kiện đặc thù và năng lực khác nhau của các địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ và các địa phương cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, có cách tiếp cận phù hợp, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Trước mắt, ông đề xuất cho phép thí điểm các mô hình kinh tế mới, theo hướng xanh, bền vững.
Nhận định tại diễn đàn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói, kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu, Việt Nam cần chuyển đổi sớm, dù sẽ đối diện với nhiều thách thức. Ông cam kết, Chính phủ sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho lộ trình chuyển đổi này.
Chính phủ cũng đang sửa đổi Luật Điện lực, thay đổi một số nghị định liên quan, xây dựng cơ chế nhằm hình thành các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, theo Phó thủ tướng.
“Nhiều cơ chế liên quan đến việc làm thế nào thực hiện được mục tiêu net zero cũng đang được thảo luận”, Phó thủ tướng nói thêm.