Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm nay, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này.
Báo cáo tài chính quý III của nhiều doanh nghiệp bất động sản cho thấy, việc cắt giảm nhân sự tiếp tục được thực hiện “mạnh tay”, qua 9 tháng, hàng trăm nhân viên mất việc. Thậm chí, không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể.
Giảm nhân sự, ngừng hoạt động
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cũng mạnh tay cắt giảm quy mô nhân sự. Tính tới ngày 30/9, số lượng nhân viên của DXG là hơn 2.480 người, giảm gần 1.300 nhân sự so với thời điểm đầu năm.
Công ty này đang làm thủ tục giải thể 8 công ty con, gồm: CTCP Đầu tư Bất động sản Miền Đông, CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Đông Nam Bộ, Công ty TNHH Đất Xanh Finance, CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Phước, CTCP Đầu tư Diamond Tower, CTCP Đầu tư Ruby Tower, CTCP Đầu tư Shapphire và CTCP Đầu tư Emerald Tower.
Kết thúc 9 tháng năm, DXG báo lãi sau thuế đạt 149,5 tỷ đồng, giảm 83,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 129,2 tỷ đồng, giảm 76,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong “họ” Đất Xanh, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã DXS) chứng kiến cảnh nhân sự ngày càng “teo tóp”. Đến ngày 30/9/2023, công ty có 2.249 nhân viên, giảm 1.091 người so với thời điểm đầu năm.
Quý III, lợi nhuận ròng DXS lao dốc 97%, còn vỏn vẹn hơn 3 tỷ đồng. Theo giải trình của DXS, nguyên nhân sự sụt giảm do tình hình khó khăn chung của thị trường ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác trên sàn cũng ghi nhận biến động nhân sự. Đến cuối tháng 9, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) có 254 nhân sự, giảm hơn 100 người so với thời điểm kết thúc năm 2022. CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (mã KDH) giảm 36 nhân sự qua 9 tháng. Tính tới 30/9, KDH có 306 nhân viên.
Ảnh minh họa
Không những cắt giảm lao động, có doanh nghiệp bất động sản còn công bố tạm ngừng kinh doanh để sắp xếp lại nhân sự, tìm hướng kinh doanh mới. CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (mã PVR) thông báo đã nhận được giấy xác nhận của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hà Nội về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Trước đó, hội đồng quản trị công ty đã thông qua việc tạm ngừng kinh doanh do công ty bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án, Năm nay, công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động, và dự kiến năm 2024 cũng vậy.
Làn sóng “ra đi” còn tiếp diễn?
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm nay, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này, trong khi đó số doanh nghiệp trong ngành thành lập mới đạt 3.850 đơn vị, giảm 50,2% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam – cho biết, hai quý đầu năm nay, thị trường chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Sang quý III, tình hình sức khỏe các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện. Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm.
Theo ông Đính, Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành đã rất quyết liệt khôi phục trở lại thị trường bất động sản. Trong số đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 được cho là tín hiệu cao nhất, mang tính định hướng và chỉ dẫn. Càng ngày, các cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ càng sát hơn so với nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp.
Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường đã từng bước được tháo gỡ, có thêm sự trợ lực từ phía ngân hàng (liên tục hạ lãi suất, cho phép vay đảo nợ, chính sách giãn, hoãn các khoản nợ…). Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các biện pháp hỗ trợ vẫn chưa thực sự đủ lực để kéo thị trường vực dậy. Để thị trường có thể đạt được những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt cần thêm nhiều các giải pháp thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính Phủ, các bộ ngành và cả hệ thống ngân hàng.
Đưa ra dự báo về thị trường bất động sản cuối năm nay và nửa đầu năm 2024, TS Nguyễn Văn Đính cho biết, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự “ra đi” của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua.