Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã huy động hơn 52 tỷ đồng triển khai Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Vận động hàng chục tỷ đồng hỗ trợ trẻ em
Theo Quyết định 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì triển khai vận động các nguồn lực để thực hiện Đề án.
Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án. Hướng dẫn các địa phương đánh giá nhu cầu của trẻ em; điều phối việc vận động nguồn lực và triển khai hỗ trợ trẻ em.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động nguồn lực tương ứng với các hoạt động chủ yếu của Đề án.
Triển khai thực hiện đề án, từ năm 2019 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã huy động được trên 52 tỷ đồng.
Sau gần 5 năm thực hiện Quyết định 588, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động nguồn lực xã hội để thực hiện 4 hoạt động hỗ trợ dinh dưỡng, hỗ trợ điểm vui chơi, hỗ trợ áo ấm và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho tổng số 141.204 lượt trẻ em tại 38 tỉnh, thành phố.
Trong đó, gói cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em đã hỗ trợ sữa, các loại mì cho 110.806 lượt trẻ em. Bên cạnh đó, cũng hỗ trợ 26 điểm vui chơi ngoài trời cho 26 điểm nhà văn hóa thôn, bản, trường mầm non của các tỉnh với số trẻ em hưởng lợi là 5.480 trẻ em.
Ngoài ra, các gói khám, chữa bệnh, gói hỗ trợ đồ ấm đã giúp hàng nghìn trẻ em là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng núi cao.
Tặng áo ấm, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ
Thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg, thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái đã vận động và nhận được các nguồn hỗ trợ từ các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài tỉnh hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Ảnh minh họa.
Đến nay, đã có trên 91.900 lượt trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Yên Bái được hỗ trợ để cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí; đồ ấm… với tổng trị giá trên 22 tỷ đồng.
Cụ thể, toàn tỉnh đã hỗ trợ đồ ấm trên 32.400 trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi với tổng số tiền trên 8,3 tỷ đồng, tập trung tại các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Lục Yên; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trên 8.700 trẻ khám sàng lọc khuyết tật, sàng lọc tim, phẫu thuật các loại khuyết tật và phẫu thuật tim với tổng kinh phí trên 2,9 tỷ đồng; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho 28.123 lượt trẻ với trên 4,1 tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, đối với hỗ trợ vui chơi, giải trí cho trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Yên Bái hỗ trợ 8 bộ đồ chơi ngoài trời cho trẻ em lứa tuổi mầm non tại các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi trị giá trên 761 triệu đồng.
Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Bảo vệ trẻ em cấp tỉnh đã hỗ trợ xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho 12.456 trẻ em với tổng số tiền trên 1,9 tỷ đồng. Cùng với đó đã hỗ trợ học bổng, tặng quà cho trên 10.000 trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhân các dịp lễ, Tết từ năm 2019 đến nay trên 4,6 tỷ đồng.
Có được kết quả trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong chỉ đạo triển khai Đề án; thu hút sự quan tâm ủng hộ nguồn lực trong và ngoài tỉnh; sử dụng đúng mục đích, hiệu quả các nguồn lực ủng hộ trong giải quyết những khó khăn, thiếu thốn cho trẻ em nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng cao…
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện tốt các mục tiêu Đề án, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh và các địa phương.
Cùng với đó đa dạng hóa nguồn lực, phương thức hỗ trợ phù hợp với yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ; tăng cường công tác phối hợp đối với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc tuyên truyền, phổ biến, vận động các nguồn lực hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh…