Thiếu nguyên liệu, gặp khó trong xuất khẩu đang là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19. Để giải quyết những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều doanh nghiệp đã tự tìm hướng đi cho mình, ngoài sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước. Cùng với đó, các chuyên gia hàng đầu đã nhận định, sự đồng hành và gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp là chiến lược cấp thiết để cùng nhau vượt qua Covid-19.
Tọa đàm “Covid-19: Doanh nghiệp chung tay vượt qua thử thách”.
Theo ông Phạm Phú Trường, tình hình thị trường có nhiều tín hiệu không vui nhưng cũng có điểm sáng đáng ghi nhận. Cụ thể, theo các doanh nghiệp tham gia khảo sát do Hội Doanh nhân trẻ TP HCM tổ chức, hơn 40% doanh nghiệp ước tính giảm ít nhất 40% doanh thu và 20% lực lượng lao động trong năm. Cắt giảm nhân sự (62%), tìm thị trường mới (52%), giảm quy mô kinh doanh (58%), giảm quy mô đầu tư (45%) là những đối sách được đưa ra nhiều nhất trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên khảo sát cũng nhận được các dấu hiệu khả quan khi có đến hơn 90% danh nghiệp sẵn sàng ứng phó với đại dịch và giúp đỡ các doanh nghiệp khác bằng các chính sách như giảm giá, giãn công nợ, chia sẻ thị trường lẫn khách hàng… Ông Trường nhận xét tinh thần đoàn kết, khích lệ lẫn nhau của doanh nghiệp Việt hiện nay là tín hiệu vui của thị trường.
Ông Võ Minh Nhựt – Tổng giám đốc NS Bluescope Việt Nam (trái) trao đổi cùng ông Phạm Phú Trường – Tổng giám đốc GIBC, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM.
Đại diện BlueScope Việt Nam, ông Võ Minh Nhựt khẳng định, cuộc khủng hoảng trong đại dịch này chỉ mang tính ngắn hạn. Công ty đã thiết lập các kịch bản tập trung giải quyết trong ngắn hạn với nhiều chính sách đảm bảo an toàn cho nhân viên, đảm bảo nguồn cung ứng cùng các kế hoạch dự phòng đóng cửa nhà máy nếu tình hình tệ hơn. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng tiến hành cắt giảm những chi phí không ảnh hưởng nhiều đến nhân sự và khách hàng như những hoạt động marketing chưa cần, không tuyển dụng mới và thay thế trong gia đoạn này.
Đứng trên góc độ doanh nghiệp thực phẩm thiết yếu, ông Phan Văn Dũng – Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) cho rằng Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty, nhưng theo cả hai chiều hướng. Trong khi mảng thực phẩm tươi sống giảm do nhà hàng, khách sạn, trường học đóng cửa thì mảng thực phẩm chế biến sẵn có hạn sử dụng lâu như xúc xích, hàng đông lạnh… tăng mạnh, kéo theo áp lực gia tăng sản xuất. Với những phương án dự trù từ trước Tết, hiện tại Vissan vẫn có thể chủ động nguyên liệu và phương án điều chuyển nhân sự phù hợp.
Ông Kao Siêu Lực – Tổng giám đốc ABC Bakery (trái) và ông Phan Văn Dũng – Phó tổng giám đốc Vissan.
Tìm kiếm cơ hội trong nguy cơ
Theo các doanh nhân, khủng hoảng do Covid-19 sẽ diễn ra trong chu kỳ ngắn và sẽ không tạo nên khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu doanh nghiệp và chính phủ có sự liên kết, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
Để tìm kiếm cơ hội trong nguy cơ, các doanh nghiệp cần chú trọng giải quyết vấn đề nhân sự, vì đây là yếu tố cốt lõi giúp họ phát triển, nhất là sau Covid-19. Tại ABC Bakery, ông Kao Siêu Lực luôn ưu tiên sức khỏe người lao động lên hàng đầu. Vissan cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, giữ chân nhân viên bằng các chế độ thuyên chuyển công việc và chia giờ làm.
Bên cạnh nghịch cảnh của Covid-19, BlueScope, Vissan, ABC Bakery và nhiều doanh nghiệp khác đã tìm thấy cơ hội phát triển. Cụ thể, đại diện BlueScope cho rằng điểm sáng nhỏ mà công ty có thể tận dụng vào thời điểm này là mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trên thế giới do Trung Quốc đang có những hạn chế về giao thương.
Vissan cũng vừa mở rộng sang dịch vụ bán hàng qua hotline nhờ tận dụng hệ thống 55 cửa hàng trong toàn thành phố để cung cấp sản phẩm kịp thời cho người dân. Đây không chỉ là giải pháp giúp người dân không tập trung nơi đông người mà còn giúp doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối. Tương lai không xa, công ty còn dự kiến phát triển sang kênh bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Riêng doanh nghiệp ABC Bakery, ông Lực cho rằng Covid-19 tuy ảnh hưởng nhưng cũng giúp thúc đẩy công ty tạo ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị trường, điển hình là sản phẩm bánh mì thanh long đang nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng. Sáng kiến này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu mà còn góp phần giải quyết vấn đề đầu ra cho người dân, tạo điểm sáng cho thị trường nông sản.
Ông Trường, đại diện Hội doanh nghiệp trẻ TP HCM cho rằng, Covid-19 cũng là điều kiện để giúp các doanh nghiệp nhìn lại mình và tôi luyện “sức đề kháng” để kinh doanh bền vững trong tương lai.
Song song, đại diện BlueScope cho rằng, doanh nghiệp bền vững không nên chờ dịch mới đưa ra phương án mà hãy đưa ra phương án mọi lúc, mọi nơi. Trong đó, quản lý dòng tiền, cẩn trọng trong các danh mục đầu tư, tránh các khoản vay dài hạn là ưu tiên hàng đầu. Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, các công ty cũng cần có kế hoạch hợp tác cùng nhiều đơn vị cung cấp, rải rác ở nhiều vị trí khác nhau để tránh rủi ro.
Đồng ý với quan điểm của ông Nhựt, đại diện Vissan lưu ý các doanh nghiệp cần có chuẩn bị dài hơi với các kế hoạch quản trị rủi ro và tài chính để giảm thiểu tổn thất trong đợt đại dịch. Đồng thời, công ty phải luôn luôn chuẩn bị kịch bản xấu nhất lường trước các nguy cơ, đưa ra nhiều phương án, tình huống để phát triển ổn định và bền vững.
Giải pháp đồng hành hợp tác của các doanh nghiệp
Các chuyên gia nhận định quyết sách tăng cường hợp tác thông qua các mối liên kết trong và ngoài ngành là giải pháp an toàn và bền vững trong tình huống khó khăn hiện nay. Với việc tận dụng nguồn lực và thế mạnh của nhau, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu tác động của ngoại lực, phát huy nội lực và tận dụng được những ưu điểm mà mỗi doanh nghiệp trong mối liên kết này sở hữu.
Ông Phạm Phú Trường chia sẻ, để tránh tan rã thì việc hợp tác thành một khối thống nhất chính là phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp hiện nay để hỗ trợ lẫn nhau, cùng tìm ra những giải pháp đột phá, hướng đến mô hình kinh doanh bền vững. Để làm được điều này, vừa qua, Hội doanh nhân trẻ TP HCM đã tạo ra nhiều diễn đàn kết nối giữa các doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng, tạo hiệu ứng tốt cho nền kinh tế.
Bên cạnh, với việc khủng hoảng đang gây ra sự đứt gãy liên kết, thiếu nguồn nguyên liệu tại hàng loạt doanh nghiệp như hiện nay thì việc kết nối trong nước là nhu cầu thiết yếu để các công ty có thể chia sẻ nguồn nguyên liệu, cùng nhau tồn tại và tạo tiền đề cho mối liên kết mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tại các doanh nghiệp như BlueScope cũng đã có nhiều chương trình chia sẻ, kết nối cùng với khách hàng, đối tác và khu công nghiệp để hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, công ty còn có nhiều kế hoạch quyên góp để hỗ trợ cho các cơ quan Chính phủ để chống Covid-19. Đại diện BlueScope nhận định, hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhà nước và cả người lao động là chìa khóa quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn.
ABC Bakery cũng vừa đưa ra chiến lược hỗ trợ cho các công ty khác bằng cách đưa ra nhiều chính sách chiêu thị, đề xuất nâng đỡ giảm giá theo dây chuyền sản xuất, chia sẻ công thức làm bánh để tận dụng điểm mạnh sẵn có của doanh nghiệp. Những động thái quyên góp tiền cho các quỹ, trao bánh mì dinh dưỡng cho đội ngũ y, bác sỹ cũng được doanh nghiệp này triển khai trong thời gian vừa qua.
Đại diện Vissan, ông Dũng cho rằng ngân hàng đóng vai trò mấu chốt giảm lãi suất để tăng sức đề kháng của các doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy việc liên kết giữa các doanh nghiệp cả cùng ngành và trái ngành để cùng đưa ra phương án phát triển là điều cần thiết nhất hiện nay.