Đó là nội dung được nêu trong kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành về việc xây dựng, ban hành nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp và nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, có ý nghĩa quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường, huy động được người dân và các doanh nghiệp tham gia…
Vì thế, tại kết luận này, Phó Thủ tướng đưa ra nhiều yêu cầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai nghị định nêu trên, bảo đảm chất lượng, tính khả thi; đảm bảo khi đi vào thực tiễn đạt hiệu quả, tuyệt đối không để sơ hở, trục lợi, tạo cơ chế xin – cho.
Với dự thảo nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, Phó thủ tướng yêu cầu thể chế hóa trách nhiệm của Bộ Công Thương, EVN vào nghị định đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống điện khi thực hiện giao dịch mua – bán qua lưới điện quốc gia.
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Ảnh: Văn Phú
Bên cạnh đó, theo dõi, cập nhật, công bố, công khai minh bạch số liệu cụ thể về khả năng truyền tải, hấp thụ sản lượng điện năng lượng tái tạo của từng khu vực, từ đó đề xuất điều chỉnh kịp thời quy hoạch điện trên cơ sở dự báo cung cầu, khi khả năng về công nghệ cho phép chuyển đổi năng lượng xanh nhanh hơn, đáp ứng theo vùng phụ tải và hạ tầng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và các nhà đầu tư được huy động tham gia thị trường điện.
Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu, xác định, công bố sản lượng điện năng lượng tái tạo tiêu thụ của từng khách hàng, làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tín chỉ xanh cho doanh nghiệp; có chế tài cảnh báo, xử lý những vi phạm liên quan đến mua bán điện trực tiếp như đăng ký, cập nhật số liệu, đấu nối và thanh tra, kiểm tra theo cơ chế hậu kiểm.
Góp ý cho dự thảo, ông Đào Nhật Đình – Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho hay, đối với cơ chế DPPA, các công ty sẽ có xu thế mua các nguồn thủy điện lớn của Việt Nam, vì giá rẻ và có nguồn điện ổn định quanh năm. Tuy nhiên, Chính phủ cần giữ các nguồn này cho hệ thống điện chung, không cho mua bán trực tiếp.
Theo ông, chi phí truyền tải của Việt Nam hiện tại thấp so với các nước có hệ thống tương đương, chưa phản ánh hết chi phí thực sự nếu hạch toán đầy đủ và độc lập theo khoảng cách, cũng như vị trí truyền tải. Do đó, hợp đồng DPPA có thể sẽ lợi dụng để hưởng chi phí truyền tải thấp.
Các hợp đồng DPPA cũng tạo ra áp lực lớn cho lưới điện khi buộc phải cân bằng với lượng điện năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng. Do đó, cần phải có các chính sách điều độ thích hợp với khả năng chịu tải của lưới điện.
“Hiện Việt Nam chưa áp dụng giá điện 2 thành phần, nên việc chuẩn bị và duy trì sẵn sàng công suất cung cấp cho trung tâm dữ liệu có DPPA với một số nhà máy năng lượng tái tạo có thể sẽ tăng chi phí lớn. Thế nên trong thỏa thuận bán dịch vụ, có thể cộng thêm phí công suất, lúc đó giá bán điện trực tiếp có thể cao hơn giá hiện tại”, ông nói.