Khi ra mắt, lãnh đạo GSM toàn cầu đặt mục tiêu “số 1 trong lòng khách hàng”. Sau 7 tháng, Xanh SM đứng thứ 2 thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Mordor Intelligence, đến quý IV/2023 Xanh SM chiếm 18,17% thị phần dịch vụ gọi xe tại Việt Nam, chỉ sau Grab. Con số này gấp đôi Be Group ở vị trí thứ 3 (9,21%), gấp hơn 3 lần thị phần của Gojek ở vị trí thứ 4 (5,87%). Hãng nghiên cứu thị trường cũng ghi nhận, Xanh SM sở hữu số lượng xe và số lượng chuyến xe mỗi ngày cao nhất trong lĩnh vực taxi truyền thống, so với các đơn vị sở hữu đội xe tự doanh.
Tài xế Xanh SM được nhiều người dùng đánh giá có thái độ, phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Ảnh: GSM
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM toàn cầu, đơn vị vận hành taxi Xanh SM từng chia sẻ mục tiêu của hãng là “số 1 trong lòng khách hàng”. Hãng mong muốn xã hội chung tay xanh hóa thị trường giao thông Việt Nam, thông qua các mẫu taxi thuần điện.
Đến nay, doanh nghiệp thuần Việt này liên tục tích hợp thêm dịch vụ như: Xanh SMBike, giao hàng Xanh Express, phổ biến xe điện đến các hãng taxi truyền thống, cho thuê xe điện Xanh SM Rentals, phát triển đối tác tài xế Xanh SM Platform… nhằm gia tăng thị phần, hướng đến cạnh tranh thị phần số 1 của Grab.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, ngoài từng bước cập nhật các tiện ích tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh, hãng cũng tích cực thu hút đối tác lái xe và người dùng thông qua chính sách giảm giá hoặc chia sẻ doanh thu.
Mới đây, Xanh SM tiếp tục tung ưu đãi giảm giá cước đến 15% trong 3 tháng hè (từ 1/6 – 31/8) nhằm thu hút người dùng lựa chọn phương tiện taxi điện. Song song đó, GSM công bố chia sẻ doanh thu đến 87% cho các đối tác tài xế độ lập, tham gia kinh doanh dịch vụ trên nền tảng Xanh SM Platform trong 3 tháng tới.
Các chủ xe điện tham gia dịch vụ này cùng GSM còn nhận hỗ trợ từ chương trình trả góp 80% giá xe trong 8 năm. Theo tính toán của doanh nghiệp, chủ xe cần bỏ vốn dưới 100 triệu đồng, trả tiền gốc và lãi hơn 5 triệu đồng mỗi tháng có thể nhận xe để kinh doanh.
Anh Nguyễn Huy Khang, một tài xế công nghệ lâu năm cho biết, con số 87% doanh thu nhận về là chính sách cạnh tranh bậc nhất trên thị trường cho các chủ xe. “Xanh SM ưu đãi giá cước thì tài xế sẽ có nhiều khách hơn. Trong khi đó, chi phí vận hành ôtô rẻ hơn đáng kể so với xe xăng, tài xế tham gia Xanh SM sẽ nhận doanh thu tốt hơn”, anh nói.
Về phía người dùng, Xanh SM cũng được đánh giá cao bởi sử dụng 100% xe thuần điện, không phát thải, không mùi xăng và thái độ của tài xế lịch sự, chuyên nghiệp. “Khi so sánh với dịch vụ của hãng khác, Xanh SM có đội ngũ tài xế thân thiện, phương tiện sạch sẽ, không mùi và không tăng giá cước đột biến trong giờ cao điểm”, chị Hồ Thị Thanh Bình (Cầu Giấy, Hà Nội), người dùng thường xuyên sử dụng taxi công nghệ cho biết.
Một chuyên gia thương hiệu tại Hà Nội cho biết, việc mạnh tay giảm giá là cách Xanh SM tăng thị phần, giúp nhiều người tạo thói quen di chuyển bằng phương tiện không phát thải. “Cách nhanh nhất để thuyết phục khách hàng là đưa tới các chuyến gọi xe với giá dễ tiếp cận hơn, trong khi chuẩn mực dịch vụ tốt hơn. Người dùng khi đã quen với việc di chuyển xe điện và hiểu được tầm quan trọng của giao thông xanh, họ sẽ chọn gắn bó với xe điện”, vị chuyên gia nhận định.
Hiện, Xanh SM ghi nhận phục vụ hơn 50 triệu lượt khách hàng sau một năm ra mắt, hơn 300 triệu km di chuyển xanh, không phát thải ra môi trường. Theo tính toán của một tổ chức độc lập, doanh nghiệp này giúp giảm 52.000 tấn CO2, tương đương 2,6 triệu cây xanh quang hợp trong 1 năm, so với sử dụng xe động cơ đốt trong truyền thống.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên cao cấp và Điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore), Xanh SM có triển vọng “lật đổ” vị trí của hãng xe công nghệ đang đứng đầu thị trường.
“Xanh SM đang cho thấy tiềm năng hứa hẹn thông qua việc phát triển nhanh chóng. Nếu công ty tiếp tục duy trì đà phát triển hiện tại, rất có thể họ sẽ đe dọa vị thế của Grab tại thị trường Việt Nam”, ông Hiệp nhận định.