Nhờ thành công về mặt doanh thu của phim điện ảnh nội địa, CGV Việt Nam lãi gần 260 tỷ đồng năm 2023, tăng 38%.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty TNHH CJ CGV (Hàn Quốc) cho biết, doanh thu tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 đạt gần 185 tỷ won (khoảng hơn 3.400 tỷ đồng), tăng hơn 23% so với năm trước đó. Lợi nhuận hoạt động khoảng 14 tỷ won (gần 260 tỷ đồng), tăng gần 38%. Trung bình CGV Việt Nam ghi nhận hơn 9 tỷ đồng doanh thu mỗi ngày.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Nội dung của CGV Việt Nam, cho biết trong năm 2023, thị trường điện ảnh có sự tăng trưởng về doanh thu, được đánh giá có nhiều khởi sắc sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch. “Bất chấp số lượng phim ra rạp năm 2023 sụt giảm so với các năm trước đó, tổng doanh thu phim Việt lại có sự bứt phá ấn tượng”, ông nói.
Theo số liệu công bố ở Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tổng doanh thu hơn 25 phim Việt ra rạp năm trước đạt 1.563 tỷ đồng. 2023 cũng là năm đầu tiên thị phần phim nội địa chiếm hơn 42% toàn thị trường.
Ông Hải cho biết nhờ sự phát triển tốt của toàn thị trường điện ảnh Việt, doanh thu hoạt động của CGV Việt Nam cũng tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, hệ thống này cũng có doanh thu từ việc cung cấp các dịch vụ quảng cáo tại rạp và trực tuyến thông qua ứng dụng, các kênh dịch vụ mạng xã hội.
Doanh thu của CGV Việt Nam trong năm 2023 trở về tương đương mức trước dịch (năm 2019) nhưng lợi nhuận hoạt động còn cách 30%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức cao hơn hẳn giai đoạn 2015-2018.
Tuy kết quả kinh doanh vẫn chưa phục hồi hoàn chỉnh, Việt Nam vẫn là thị trường mang về lợi nhuận cao nhất cho CGV. Hệ thống rạp chiếu phim này hiện có mặt ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Việt Nam. Trong năm ngoái, Trung Quốc là thị trường mang về hiệu suất kém nhất với lợi nhuận hoạt động chỉ 0,5 tỷ won. Tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ và “quê hương” Hàn Quốc của CGV, lần lượt là 1,6 và 8,6 tỷ won.
Ngoài Việt Nam, Indonesia là thị trường ghi nhận lợi nhuận hoạt động trên chục tỷ won, đạt 11,2 tỷ won. Năm 2022, trong khi Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ kinh doanh thua lỗ, Việt Nam và Indonesia là hai nước mang về lợi nhuận dương cho CGV.
Theo lý giải của ông Nguyễn Hoàng Hải, so với thị trường Indonesia, CGV Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng doanh thu. Thứ nhất, Việt Nam có mạng lưới kinh doanh rộng hơn Indonesia, 82 rạp chiếu so với 74 rạp. Thứ hai, nhờ sự thành công về doanh thu của phim nội địa, doanh thu toàn thị trường điện ảnh Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Thứ ba, thị trường điện ảnh Việt Nam có tốc độ phục hồi nhanh hơn các nước trong khu vực.
Năm nay, CGV Việt Nam dự đoán lượng khách sẽ tăng, nhất là trong mùa cao điểm của dịp Tết Nguyên đán và việc ra mắt các bộ phim địa phương được mong đợi như “Mai”, “Gặp lại chị Bầu”. Khả năng sinh lời dự kiến được cải thiện thêm nhờ mở rộng các rạp chiếu có công nghệ đặc biệt từ quý IV/2023 và ra mắt thêm các rạp chiếu phim mới.
Giám đốc Nội dung của CGV Việt Nam cho biết chuỗi này sẽ tiếp tục mở thêm nhiều cụm rạp tại hơn 30 tỉnh, thành. Thời gian tới, CGV sẽ mở tại Bạc Liêu và Vinhomes Grand Park (TP HCM). Ngoài cải tiến về các sản phẩm và dịch vụ, CGV Việt Nam còn thông qua công ty con Vpictures để đầu tư phim nội địa.
“Chúng tôi lên kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh trong nước, mang đến nhiều tác phẩm điện ảnh có thể đại diện cho văn hóa Việt”, lãnh đạo doanh nghiệp này nói thêm.
CJ CGV Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam từ năm 2011 sau thương vụ chi 73,6 triệu USD mua lại 80% cổ phần của Megastar – chủ sở hữu hệ thống rạp phim lớn nhất tại Việt Nam khi đó. Hai năm sau, CJ CGV chuyển đổi thương hiệu MegaStar thành CGV. Đơn vị này cũng trở thành đại lý phát hành cho các studio tại Mỹ như UIP hay Warner Bros.
Đến cuối năm 2023, hệ thống này có 82 rạp với 477 phòng chiếu phim tại hơn 30 tỉnh, thành. Họ đã đóng cửa một rạp và 6 phòng chiếu so với cuối năm 2022. Tuy giảm nhẹ so với năm trước đó, CJ CGV công bố đơn vị này vẫn giữ vững vị thế chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam khi nắm 49% thị phần. Doanh nghiệp này chủ yếu bám sát kế hoạch mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại của hai “ông lớn” bán lẻ Vincom và Central Group.