Ngân hàng Nhà nước cho biết nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới việc tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới rất khó khăn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng – Ảnh: GIA HÂN
Nhận định về lãi suất vay vốn được đưa ra trong báo cáo mới nhất mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng ký gửi đến các đại biểu Quốc hội giải trình một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và hai bộ trưởng Y tế, Thông tin và Truyền thông sẽ diễn ra ngày 11 và 12-11 tới.
Về điều hành tăng trưởng tín dụng, bà Hồng cho biết sau những biến cố, khó khăn, áp lực và nhiệm vụ nặng nề kéo dài từ năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã góp phần kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu đề ra, góp phần củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Lạm phát CPI bình quân năm 2022-2023 lần lượt là 3,15% và 3,25%, trong đó lạm phát cơ bản bình quân lần lượt là 2,59% và 4,16%; ước 10 tháng đầu năm 2024 là 3,78%, lạm phát cơ bản dưới 3%.
Đây là cơ sở quan trọng để tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam.
Cùng với đó thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn sau sự cố rút tiền hàng loạt chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2,5% trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong 10 tháng đầu năm 2024 (lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; đến ngày 20-10-2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023).
Tuy nhiên, theo bà Hồng, từ kỳ họp thứ 3 (tháng 5 năm 2022), Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Quốc hội những khó khăn thách thức trong điều hành chính sách tín dụng và thời gian qua, đến nay vẫn tiếp tục là áp lực trong điều hành các chính sách này.
Đáng chú ý việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn. Nguyên nhân do lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và tính đến 20-10-2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023).
Nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới cũng sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất. Ngoài ra sức ép tỉ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất Việt Nam đồng trong nước càng gia tăng áp lực lên tỉ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.
Bà Hồng cũng nêu khó khăn khi lạm phát giảm chưa bền vững và tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia, thời tiết cực đoan…
Sức ép cung ứng vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, kể cả vốn trung dài hạn trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn).
Sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp. Sau khi chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút.
Xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân cũng dẫn đến cầu tín dụng thấp. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc giải ngân vốn vay do vướng mắc về thủ tục pháp lý của dự án, năng lực tài chính suy giảm, mất cân đối dòng tiền, thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi,…
“Với những khó khăn thách thức này, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, AMRO đều nhận định dư địa nới lỏng chính sách tín dụng của Việt Nam hiện rất hạn hẹp và khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, báo cáo nêu.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay sắp tới sẽ điều hành các công cụ chính sách tín dụng chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ.
Điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Thực hiện các biện pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Theo Tuổi trẻ