15 dự án lọt vào vòng chung kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Xanh năm 2023” thuộc nhiều tỉnh thành, trong đó Quảng Nam là địa phương có số dự án nhiều nhất.
Chiều ngày 18/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban tổ chức vòng Bán kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh lần 9 – năm 2023, đã công bố kết quả những dự án lọt vào vòng chung kết sau 2 ngày diễn ra cuộc thi với 43 dự án tham gia.
Ban tổ chức công bố những dự án vào vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh lần 9 – năm 2023
Theo đó, có 15 dự án đã xuất sắc vượt qua vòng này, tiến thẳng vào vòng chung kết thuộc nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, địa phương có số dự án nhiều nhất là Quảng Nam, với 3 dự án, tiếp đó là TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, mỗi địa phương có 2 dự án.
Đáng chú ý, trong 15 sự án vào vòng chung kết, có nhiều dự án khởi nghiệp khai thác tài nguyên bản địa như: Sản xuất bánh canh rau củ – bánh hỏi rau củ (tỉnh Bình Định); phát triển lạp xưởng cá lóc (tỉnh Đồng Tháp); phát triển cây sâm bố chính gắn liền với văn hóa – ẩm thực – du lịch tại vùng núi nghèo khó (Thừa Thiên – Huế)…
Như vậy, sau khi vòng bán kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh lần 9 tại tỉnh Bến Tre đã tìm ra 8 dự án, cùng với 15 dự án tại vòng bán kết ở TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã có 23 dự án vào vòng chung kết cuộc thi.
Theo ghi nhận, nhiều dự án trong vòng thi bán kết tại TP. Hồ Chí Minh sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa của địa phương mình để gia tăng giá trị cho sản phẩm. Cụ thể từ các nông sản như: Các loại hoa, măng, hạt macca, mật ong, atiso, nấm, dừa, bưởi non, măng tây, trái nhàu, chanh, rượu cần, lạp xưởng cá, đường tự nhiên, bã cà phê làm phân bón, du lịch sinh thái kết hợp trùn quế, sữa dê… hay một số dự án về sàn giao dịch tín chỉ carbon…
Đánh giá về các dự án tham gia cuộc thi, thay mặt Ban giám khảo cuộc thi, bà Nguyễn Cẩm Chi – thành viên Ban giám khảo – cho biết: Nhiều dự án còn gặp một số vấn đề, ngoài sản xuất kinh doanh chính, còn có pháp lý, nhiều dự án chúng ta còn chưa có đăng ký, kiểm nghiệm, hay những cấu phần về tài chính, về marketing, nhận diện thương hiệu, định vị khách hàng…. “Tuy nhiên, những vấn đề này, các dự án đều có thể hoàn thiện sau cuộc thi này” – bà Cẩm Chi khẳng định.
Ngoài 15 dự án vào vòng chung kết, Ban tổ chức cũng trao cho dự án rượu cần Đắk Giang, đặc sản văn hóa của người Bahbar, và dự án măng khô Vre – sản phẩm tự nhiên giúp phụ nữ K’ho Phan Sơn thoát nghèo, mỗi dự án 10 triệu đồng tiền mặt.
Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Xanh” lần thứ 9 năm 2023, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và các đơn vị có liên quan tổ chức thu hút gần 180 dự án đăng ký tham gia thuộc 36 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự kiến, vòng bán kết cuối cùng sẽ tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 9/2023, sẽ chọn ra 7 dự án cuối cùng. Vòng thi chung kết cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Xanh” lần thứ 9 với 30 dự án, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.