Để tiếp sức cho hàng Việt, cần phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh, sử dụng xe máy điện cho giao hàng chặng cuối giúp thân thiện với môi trường.
Chia sẻ tại Hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử” do Báo Tuổi Trẻ phối với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, ông Nguyễn Xuân Thảo – Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhìn nhận: thị trường bán lẻ Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang kênh hiện đại và thương mại điện tử. Sự kết hợp giữa bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến giúp doanh nghiệp tối ưu hóa doanh thu.
Tuy nhiên, với mức giá rẻ, thời gian giao hàng nhanh, sự gia nhập của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu và Shein vào thị trường Việt Nam, cùng những động thái từ các sàn thương mại điện tử Trung Quốc giá rẻ khác như 1688, Taobao đã làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho thị trường thương mại điện tử nội địa.
Ông Nguyễn Xuân Thảo – Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng cần phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh để nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng Việt. Ảnh: Hữu Hạnh
Cũng theo ông Thảo, mặc dù chỉ nắm 5% thị phần, song bán hàng qua kênh online có mức tăng trưởng 35-45% mỗi năm. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Quý III/2024, doanh số của Tiktok Shop và Shopee lần lượt tăng trưởng 110.6% và 11.3% so với cùng kỳ năm 2023. Tiki mặc dù vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2023, nhưng so với quý II/2024 đã tăng trưởng 38% về doanh số.
Số lượng Shop Mall và doanh số Shop Mall đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ 2023, đặc biệt doanh số tăng trưởng 53.11%. Tiktok Shop mặc dù có mức tăng trưởng số lượng shop mall thấp hơn Shopee, song doanh số tăng cao gấp 3 lần so với Shopee.
Sự bùng nổ của kênh bán hàng online kéo theo thị trường dịch vụ giao nhận nhanh, chuyển phát và bưu kiện (CEP) cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Quy mô thị trường dịch vụ giao nhận, chuyển phát ước đạt 1,62 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 2,53 tỉ USD vào năm 2030.
Sự phát triển lớn mạnh của các hệ thống thương mại điện tử, logistics, hàng nước ngoài tràn vào khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, ông Thảo cho rằng, doanh nghiệp sản xuất trong nước cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự khác biệt về sản phẩm, tối ưu hóa quy trình, đặc biệt là quy trình logistics.
Theo ông Thảo, cần phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh; sử dụng xe máy điện cho giao hàng chặng cuối giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và thân thiện với môi trường, giúp tăng hình ảnh của hàng Việt; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) trong kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được hiệu quả và nhanh chóng, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt hơn.
Song song đó, tăng cường hợp tác với Chính phủ và ngành hải quan để cải thiện quy trình hải quan và giảm thiểu các rào cản pháp lý, giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi và giảm chi phí cũng như tăng tính bền vững đối với hoạt động logistics cho thương mại điện tử.