Trong phiên họp chiều 10/6/2020, với 94,96% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được bổ sung một điều; sửa đổi, bổ sung nội dung 26 điều và chỉnh lý kỹ thuật 3 điều.
Cụ thể, Luật đã bổ sung quy định: “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.”
Để bảo đảm tính thống nhất, Luật cũng đã bổ sung quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.” (Khoản 7, Điều 12).
Về thời hạn giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định, Luật quy định thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định (Khoản 1, Điều 26a).
Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự (Khoản 2, Điều 26a).
Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 2, Điều 26a tối đa là 3 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng…