Cần xem xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân

 Thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) mới đây, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, Luật sửa đổi lần này mở ra chủ trương để Chính phủ có cơ sở nghiên cứu, xây dựng phát triển các dự án điện hạt nhân. Vì đi cùng với chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, cần có điện nền để ổn định lưới điện, do đó, phải tính đến điện hạt nhân.

“Tham khảo một số nước phát triển trên thế giới, tỷ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu điện quốc gia là rất lớn, chiếm đến 30-40% chứ không phải nhỏ. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, cần xem xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu quan điểm.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần báo cáo, giải trình để Quốc hội thấy rõ vì sao cần tiếp tục thực hiện chiến lược điện hạt nhân.

Thời gian gần đây, dựa trên căn cứ Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nghiên cứu lại, tìm hiểu thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo với Chính phủ về phát triển điện hạt nhân.

Điện hạt nhân giúp giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Dreamstime

Trước đó, trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (2016-2021) ngày 2/3/2022, Bộ Công Thương không đồng tình với kiến nghị hủy các quyết định liên quan đến quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Bộ này cho rằng việc hủy các quyết định liên quan đến phê duyệt các địa điểm xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là một việc hết sức quan trọng, phức tạp. Đồng thời, có thể phát sinh những hệ lụy sau này, gây ảnh hưởng đến quan hệ với các đối tác quốc tế đã có các cam kết hợp tác xây dựng điện hạt nhân với Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, xây dựng điện hạt nhân là một quá trình chuẩn bị lâu dài hàng chục năm, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, hợp tác quốc tế, chuẩn bị tiềm lực kinh tế…

Việt Nam đã được Tổ chức Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) công nhận đạt được nhiều cột mốc quan trọng để xây dựng điện hạt nhân, các địa điểm quy hoạch xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 của Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng và an toàn.

Do vậy, việc hủy các địa điểm điện hạt nhân này có thể gây ra những khó khăn và tốn kém trong việc nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn các địa điểm thay thế nếu trong tương lai, khi đất nước đã hội đủ các yếu tố cần thiết và điện hạt nhân trở thành một giải pháp lựa chọn để đảm bảo an ninh năng lượng bền vững cho quốc gia.

Theo danh sách các địa điểm quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 906 ngày 17/6/2010, các địa điểm quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là các địa điểm rất quý, hiếm, đã chi phí nhiều cho công tác khảo sát, nghiên cứu, quy hoạch địa điểm.

Vì vậy, cần bảo tồn các địa điểm này để trong tương lai có thể sử dụng khi Việt Nam hội đủ các điều kiện để phát triển điện hạt nhân, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Hai địa điểm đủ điều kiện làm điện hạt nhân là Phước Dinh và Vĩnh Hải của Ninh Thuận

Bộ Khoa học và Công nghệ trong báo cáo sơ kết Nghị quyết 31 cũng cho rằng, địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được các đơn vị liên quan nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, công phu trong thời gian dài và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của IAEA.

Ngoài ra, các địa điểm này đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân cũng như chính quyền địa phương.

Theo đó, hai địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 nên được xem xét giữ lại cho dự án điện hạt nhân trong tương lai, Bộ KH&CN bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến dự báo về nhu cầu năng lượng và sự cần thiết phát triển điện hạt nhân, báo cáo của Bộ KH&CN nêu rõ, an ninh năng lượng luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với tất cả các quốc gia. Trong đó, vấn đề quy hoạch năng lượng luôn luôn đi trước một bước.

Đối với Việt Nam, trong mấy thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với khu vực và thế giới. Để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, việc phát triển điện lực với mức độ tăng trưởng cao (khoảng trên 10%/năm) dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống trong nước như: than, khí, thủy năng.

Thực tế, từ năm 2015, từ xuất khẩu tịnh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng. Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đã được chú trọng đáng kể, nhưng do phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết, hệ số phụ tải thấp và không ổn định, nên năng lượng tái tạo chỉ đóng vai trò bổ trợ, không thể thay hết các nguồn điện chủ lực như: nhiệt điện, thủy điện và điện hạt nhân.

Đáng chú ý, các nguồn tiềm năng thủy điện lớn hầu như đã khai thác hết. Để tiếp tục phát triển nhiệt điện, lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu (than, LNG) sẽ ngày một gia tăng, ảnh hưởng tới bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, Bộ KH&CN cho rằng, một trong những giải pháp có thể xem xét là phát triển điện hạt nhân.

Bộ KH&CN nhấn mạnh, việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện năng ngày càng tăng với độ tin cậy cao, giá cả hợp lý là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược và lập quy hoạch phát triển điện năng nhằm đạt mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, theo lộ trình giảm phát thải tiến tới Net Zero vào năm 2050 như tuyên bố cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26.

Song, quy hoạch về phát triển điện năng phải được tiến hành một cách bài bản, khoa học trên cơ sở phân tích dự báo dài hạn, xem xét toàn diện và đầy đủ các nguồn sản xuất điện năng có thể phát triển, thực hiện đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó có điện hạt nhân.

Bộ KH&CN cũng đề xuất việc nghiên cứu, đánh giá vai trò của điện hạt nhân trong định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, theo lộ trình giảm phát thải tiến tới Net Zero vào năm 2050.

Theo Vietnamnet