Xanh hóa chuỗi sản xuất, cung ứng đang là đòn bẩy giúp dệt may Việt Nam phục hồi và bắt kịp xu hướng toàn cầu.
Ngành dệt may Việt Nam đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu, với tăng trưởng trung bình 12% mỗi năm. Tuy nhiên sau Covid-19, ngành này chịu nhiều tác động, khiến không ít doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động hoặc phá sản. Gần đây, xuất khẩu dệt may có dấu hiệu phục hồi khi nhiều đơn vị chuyển sang sản xuất xanh. Xu hướng này tập trung vào hai mục tiêu chính: giảm phát thải CO₂, hóa chất độc hại và sử dụng năng lượng sạch, đáp ứng yêu cầu quốc tế cũng như tăng sức cạnh tranh.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 9, xuất khẩu lĩnh vực này đạt 2,98 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; tổng 9 tháng đạt 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với 2023. Bộ Công Thương đánh giá sản xuất xanh giúp ngành phục hồi và mở rộng thị trường.
Công ty TNHH Dệt may Trung Quy là một ví dụ thành công về sản xuất xanh. CEO Trần Văn Quy cho biết doanh thu của doanh nghiệp tăng 15% mỗi năm, ngay cả trong giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng do Covid-19.
Từ năm 2016, công ty này đã đón đầu xu hướng xanh hóa với máy móc thân thiện như sợi hữu cơ, tái chế và sinh học từ tre, sen, dứa, cà phê, lông cừu… Đơn vị còn áp dụng công nghệ nhuộm gió, tiết kiệm 60-70% nước và giảm tác động môi trường. Đồng thời, Trung Quy đầu tư hệ thống điện mặt trời và lò hơi Bio-mass để giảm phát thải.
Hiện nguyên liệu thân thiện tại doanh nghiệp này chiếm 50% sản xuất, với mục tiêu đạt 70% vào cuối năm 2025. Số liệu nội bộ của công ty cho thấy 9 tháng đầu năm, doanh thu từ sản phẩm xanh tăng 30%, giúp tránh tăng trưởng âm khi mặt hàng truyền thống giảm 20%.
Công ty CANIFA cũng cho biết sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên của nhãn hàng chiếm đến gần 70%, và doanh số bán hàng 9 tháng đầu năm của nhóm này tăng 30% so với cùng kỳ. Với bông Mỹ, len Australia, sợi tre và cà phê, họ nhắm đến khách hàng yêu cầu bền vững và đầu tư vào sản xuất xanh để nâng giá trị thương hiệu.
Hiệp hội VITAS cho biết Việt Nam đã cam kết thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 và các cam kết tại COP26, đặt ra tiêu chuẩn về môi trường cho sản phẩm khi tiếp cận thị trường quốc tế.
Ngành sản xuất hiện có cấu trúc gồm 70% doanh nghiệp gia công, 6% sản xuất sợi, 17% thuộc lĩnh vực dệt và 4% cho công đoạn nhuộm. Trong đó, 85% doanh nghiệp hiện chủ yếu thực hiện gia công, cần chuyển đổi sang mô hình FOB (các doanh nghiệp sẽ chủ động làm mọi việc, từ mua nguyên liệu cho tới ra sản phẩm cuối cùng) để chủ động nguồn cung và nâng cao giá trị sản phẩm.
Chủ tịch VITAS, ông Vũ Đức Giang, nhấn mạnh 2024 sẽ là năm đầy thử thách cho ngành dệt may do kinh tế toàn cầu biến động. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu và xanh hóa quy trình, đáp ứng tiêu chuẩn xanh ngày càng phổ biến.
Nhà máy sản xuất sợi ứng dụng công nghệ xanh của Trung Quy. Ảnh: Trung Quy
Không chỉ Việt Nam, các doanh nghiệp lớn thế giới như H&M, Patagonia, Adidas cũng đạt kết quả nhờ xanh hóa. Trong báo cáo phát triển bền vững Adidas cam kết 100% polyester tái chế vào năm 2024 với dòng sản phẩm “Primegreen”. Patagonia tăng trưởng ổn định với chương trình “Worn Wear” khuyến khích tái sử dụng và sửa chữa sản phẩm.
Báo cáo State of Fashion 2024 của McKinsey và Business of Fashion cho thấy, người tiêu dùng quan tâm tính bền vững trong thời trang, tạo áp lực để doanh nghiệp cải thiện chuỗi cung ứng. Sản xuất xanh giúp doanh nghiệp kiểm soát năng lượng, nước, hóa chất, tiết kiệm chi phí và giảm tác động môi trường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức khi chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh. Ông Quy cho rằng chi phí đầu tư ban đầu cao và việc thay đổi quy trình sản xuất đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Nguyên liệu thân thiện với môi trường thường có giá thành cao và khó tìm, trong khi sản xuất bền vững lại yêu cầu công nghệ tiên tiến, chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và phải tuân thủ các tiêu chuẩn của hệ sinh thái khắt khe. Hơn nữa, nhận thức và khả năng chi trả của người tiêu dùng cho sản phẩm bền vững vẫn còn hạn chế, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
“Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực nâng cấp sản phẩm và sản xuất không dấu chân carbon. Cần có hỗ trợ chính sách để ngành này phát triển bền vững hơn”, ông Quy đề xuất.
Theo VITAS, kim ngạch xuất khẩu của dệt may năm nay có thể đạt 44 tỷ USD, tăng gần 10% so với 2023. Lĩnh vực này đang tham gia các cam kết quốc tế như COP26, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.