Theo Bộ Tài chính, do phát triển nhanh, thời gian qua thị trường bảo hiểm, đặc biệt bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, dịch vụ chăm sóc, giải quyết quyền lợi cho khách hàng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa gửi báo cáo tới các đại biểu Quốc hội phục vụ phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra ngày 18-3. Báo cáo của Bộ Tài chính đã đề cập đến công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Theo Bộ Tài chính, do phát triển nhanh, thời gian qua thị trường bảo hiểm, đặc biệt bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, dịch vụ chăm sóc, giải quyết quyền lợi cho khách hàng.
Cùng với đó, nếu như trước đây thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức, mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance). Bộ Tài chính nhấn mạnh kênh này giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần phải nhìn nhận lại, chấn chỉnh.
Bộ Tài chính cho biết thời gian qua đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm nói chung và kênh bancassurance nói riêng. Trong đó, có các giải pháp hoàn thiện quy định, chuẩn hóa về hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Đồng thời, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình tư vấn, giao kết hợp đồng, đảm bảo tính minh bạch, người dân được tư vấn đúng, đủ thông tin, rõ ràng về sản phẩm.
Cơ quan quản lý Nhà nước cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, bổ sung quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng, hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Quy định hiện hành cũng đã nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, trong năm 2022, 2023, bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Qua thanh tra đã phát hiện các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance như sai phạm về ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật.
Cơ quan thanh tra của Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý về tài chính tổng số tiền là 21.000 tỉ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 với tổng số tiền là hơn 1.955 tỉ đồng. Cùng với đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng.
Theo Bộ Tài chính, năm 2024, bộ có kế hoạch thanh tra với 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.