Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 hướng dẫn về thời hạn, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch bệnh.
Thông tư số 47/2020/TT-BTC áp dụng đối với người khai hải quan; cơ quan Hải quan, công chức hải quan; tổ chức, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thông tư số 47/2020/TT-BTC đã quy định cụ thể về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Theo đó, người khai hải quan nộp C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Trường hợp chưa có C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, người khai hải quan phải khai chậm nộp C/O trên tờ khai hải quan nhập khẩu và được khai bổ sung, nộp C/O trong thời hạn hiệu lực của C/O.
Thông tư số 47/2020/TT-BTC là một trong những giải pháp của Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ, tháo giỡ khó khăn, tạo điều kiện thông quan hàng hóa cho cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh tại một số quốc gia vẫn đang diễn biến phức tạp.
(Ảnh minh họa)
Người khai hải quan khai theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc hoặc thông thường và được nộp bổ sung C/O trong thời trong thời hạn hiệu lực của C/O để áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tương ứng; cơ quan hải quan có trách nhiệm hoàn trả số tiền thuế chênh lệch đã nộp.
Để tháo gỡ khó khăn cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, Thông tư số 47/2020/TT-BTC đã chấp nhận và hướng dẫn nộp C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử, C/O scan trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Cơ quan hải quan chấp nhận C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử với điều kiện cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu có thông báo về việc cấp C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử và cung cấp trang thông tin điện tử để tra cứu C/O hoặc phương thức tra cứu khác về C/O. Cơ quan hải quan kiểm tra tính hợp lệ của C/O trên trang thông tin điện tử hoặc phương thức tra cứu khác của cơ quan cấp để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định và in một bản C/O để lưu hồ sơ hải quan.
Về bản chụp/bản scan C/O, cơ quan hải quan chấp nhận bản chụp/bản scan C/O với điều kiện cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu thông báo về việc sử dụng bản chụp/bản scan của bản chính C/O và cung cấp bản chụp/bản scan C/O hoặc trang thông tin điện tử hoặc phương thức kiểm tra khác cho cơ quan hải quan để xác định tính hợp lệ của C/O. Cơ quan hải quan kiểm tra tính hợp lệ của C/O bản chụp/bản scan trên trang thông tin điện tử hoặc phương thức kiểm tra khác do cơ quan cấp cung cấp để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định và in một bản C/O để lưu hồ sơ hải quan.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan, người khai hải quan nộp bản chính C/O cho cơ quan hải quan. Trường hợp chưa có C/O bản chính tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan được nộp bản chụp/bản scan C/O cho cơ quan hải quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp lệ của bản chụp/bản scan C/O.
Cơ quan hải quan căn cứ bản chụp/bản scan C/O, hồ sơ hải quan, thực tế hàng hóa, hành trình lô hàng và những thông tin khác có liên quan để kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa và quyết định thông quan hàng hóa. Người khai hải quan chịu trách nhiệm nộp lại 1 bản chính C/O trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu.
Như vậy, Thông tư số 47/2020/TT-BTC là một trong những giải pháp của Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ, tháo giỡ khó khăn, tạo điều kiện thông quan hàng hóa cho cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh tại một số quốc gia vẫn đang diễn biến phức tạp.