Giới chuyên gia ước tính quy mô tài trợ nhằm đạt mục tiêu Net Zero rất lớn, khoảng 2.000-5.000 tỷ USD mỗi năm, đồng nghĩa với việc thế giới cần chi ra 100.000 tỷ USD trong 30-40 năm nữa để triển khai.
Trong viễn cảnh nhiều năm tới, sẽ không xuất hiện bất kỳ chiếc xe xăng mới nào trên các con đường ở Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2035; ngành công nghiệp Mỹ sẽ hoạt động bằng hydro xanh; các trang trại gió sẽ hoạt động trên biển Bắc, và năng lượng mặt trời sẽ mang lại cho tất cả người châu Phi nguồn năng lượng với giá cả phải chăng.
Tiến tới Net Zero, thế giới cần phải “bạo chi”
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tất cả những điều kể trên có thể đạt được mà không gây căng thẳng cho tài chính của các nước. Chi phí cần bỏ ra được ước tính chỉ khoảng 0,5% GDP toàn cầu trong năm 2030.
Tuy nhiên, các ước tính của IMF chỉ giả định về một thỏa thuận toàn cầu xoay quanh giá hoặc thuế carbon. Quỹ cũng loại bỏ các khoản trợ cấp hiện tại cho nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nỗ lực thực tế nhằm mục đích khử cacbon của các quốc gia khác xa so với những giả thuyết này.
“Kịch bản của IMF đáng mong đợi nhưng nó lại không xảy ra”, Jean Pisani-Ferry, giáo sư tại viện nghiên cứu Sciences Po, chia sẻ với Financial Times.
Theo Helen Miller, phó giám đốc Viện nghiên cứu tài chính Anh, các nhà lập pháp có thể lựa chọn các giải pháp phù hợp về mặt chính trị nhưng kém hiệu quả về mặt kinh tế. “Cuối cùng thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo cách tốn kém hơn”, bà nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, quy mô tài trợ nhằm đạt mục tiêu Net Zero là rất lớn. Năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính, mức đầu tư hàng năm sẽ cần tăng từ 2.000 tỷ USD đến gần 5.000 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP toàn cầu vào năm 2030. Tổng mức đầu tư này vẫn sẽ là 4.500 tỷ USD vào năm 2050.
Điều này đồng nghĩa với việc thế giới cần chi ra 100.000 tỷ USD trong 30 hoặc 40 năm nữa để thúc đẩy năng lượng tái tạo, điện khí hóa giao thông, khử cacbon và làm mát các tòa nhà.
Hiện tại, chính phủ các nước đã chi hàng trăm tỷ USD để khuyến khích, trợ cấp cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, cho nghiên cứu và đổi mới cơ sở hạ tầng công cộng, từ lưới điện, phòng chống lũ lụt cho đến làn đường dành cho xe đạp. Trong khi đó, nguồn thu từ thuế carbon lại không đủ để bù đắp các khoản chi khổng lồ.
Các nước đầu tư chuyển đổi năng lượng sạch ra sao?
Theo Bloomberg, Trung Quốc là một trong những nước đi đầu về đầu tư chuyển đổi năng lượng sạch. Các chuyên gia lưu ý việc áp dụng mô hình năng lượng sạch trong việc kinh doanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đem đến nhiều cơ hội tài chính và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Phát triển năng lượng tái tạo là cách mà nhiều nước đang triển khai thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero (Ảnh minh họa PVN).
Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp để giảm phát thải và chuyển đổi sang năng lượng sạch, bao gồm đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất năng lượng, phát triển điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Đồng thời, nước này cũng đã thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông xanh, cải thiện hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp và xây dựng hạ tầng năng lượng sạch.
Chi phí để giảm phát thải khí nhà kính của Mỹ tương đối lớn do quy mô của nền kinh tế và mức độ phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Mỹ hiện có quỹ giảm thiểu khí nhà kính cung cấp 27 tỷ USD cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, trong đó bao gồm 7 tỷ USD cho các khoản tài trợ, tạo điều kiện cho các cộng đồng có thu nhập thấp và có hoàn cảnh khó khăn triển khai hoặc hưởng lợi từ các công nghệ không phát thải.
Gần 12 tỷ USD được sử dụng cho các khoản tài trợ cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính và 8 tỷ USD cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính tại các cộng đồng có thu nhập thấp.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cũng đang khởi động một chiến lược phối hợp tham gia của các bên liên quan để giúp định hình việc thực hiện Quỹ giảm thiểu khí nhà kính và đảm bảo tất cả người Mỹ đều nhận ra được lợi ích kinh tế và môi trường của khoản đầu tư này.
Ông Michael Regan, giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, nhận định rằng: “Quỹ giảm thiểu khí nhà kính là cơ hội chưa từng có để đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ giảm thiểu khí nhà kính và định vị Mỹ. Qua đó góp phần cạnh tranh và giành chiến thắng trong nền kinh tế thế kỷ 21”.
Việc không có ô tô chạy xăng trên các con đường của các nước Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2035 là một mục tiêu quan trọng nhằm chuyển đổi sang giao thông bền vững và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chi khoảng 200 tỷ USD vào năm 2019 cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, theo Ủy ban châu Âu (European Commission).
Các khoản đầu tư này bao gồm việc hỗ trợ các dự án và chương trình về năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng, phát triển công nghệ sạch, và đẩy mạnh các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Châu Âu cũng đã đưa ra các chính sách và cơ chế tài chính để khuyến khích đầu tư từ các nguồn tư nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trong thời kỳ bùng nổ đầu tư năng lượng tái tạo. Khu vực này có hơn 680 công ty, chiếm hơn một nửa doanh thu từ năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, điện khí hóa, nhiên liệu sinh học, thu hồi hydro và carbon.
Nghiên cứu mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ ra chi phí tài chính cho mục tiêu năng lượng xanh cao hơn dự đoán của IMF.
Năm 2021, Văn phòng trách nhiệm ngân sách của Anh từng ước tính, việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 sẽ khiến nợ công tăng thêm 21% GDP vào năm 2050, phần lớn thâm hụt do miễn thuế nhiên liệu. Tuy nhiên, phát thải ròng bằng 0 vẫn là điều cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và phải được giải quyết cho dù quy mô lớn đến đâu.