Lòng tham kích thích nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào thị trường chứng khoán từ tháng 3 trở lại đây, tuy nhiên sự “bán tín, bán nghi” giữa thị trường “con bò, con gấu” dưới tác động của khó khăn kinh tế vẫn khiến các nhà đầu tư dè chừng.
Dòng tiền nội chớp cơ hội
Trước những tác động bất ngờ, tiêu cực và khó lường từ dịch bệnh, thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua nhiều thời điểm lao dốc.
Ðiều này khiến các quỹ đầu tư nước ngoài gần như bắt buộc phải cắt giảm giá trị danh mục đầu tư, đặc biệt tại những thị trường chứng khoán mới nổi, trong đó có Việt Nam để đảm bảo yêu cầu quản trị rủi ro.
Hoạt động này vốn thường diễn ra trong thời gian dài do vấn đề quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam còn thấp. Tính đến cuối tháng 4, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 13 trên sàn HOSE.
Trong quý I, giá trị rút ròng của khối ngoại đã lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tập trung vào các bluechip và lượng bán ròng tiếp tục tăng trong tháng 4.
Ðáng chú ý, phiên giao dịch ngày 28/4, khối ngoại ghi nhận bán ròng 400 tỷ đồng trên toàn thị trường và vẫn là các bluechip như VCB (72,68 tỷ đồng), VRE (59,13 tỷ đồng), VNM (55,33 tỷ đồng)…
Lệnh bán được tung ra mà không quan tâm đến định giá thời điểm này là bao nhiêu, hay nói cách khác là bán bằng mọi giá. Phiên 29/4, khối ngoại tiếp tục bán ròng xấp xỉ 500 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư trong nước mua ròng suốt quý I với giá trị 1.850 tỷ đồng. Bước sang tháng 4/2020, khối nội tiếp tục tạo lực đỡ cho thị trường khi liên tiếp mua ròng, dù lượng mua ròng có phần giảm hơn trong hai tuần cuối tháng 4, giúp chỉ số VN-Index ghi nhận đà tăng ấn tượng 16% trong tháng.
Phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30/4, thị trường đã có giao dịch khởi sắc sau hai phiên đảo chiều trước đó, khi ghi nhận tăng nhẹ gần 2 điểm (VN-Index chốt phiên ở mức 769,11 điểm), nhưng cũng có nhà đầu tư lo ngại về hiện tượng “bull trap” khi ngầm rủ nhau “thoát hàng” trên nhiều diễn đàn.
“Thị trường đang ở giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo quý I nên hiện tượng phân hóa là hoàn toàn bình thường. Tuần trước, nhóm vốn hóa lớn đóng vai trò dẫn dắt chỉ số thì ở tuần cuối cùng của tháng 4/2020, nhóm cổ phiếu này bị chốt lời”, anh Nguyên, nhà đầu tư tại sàn MBS chia sẻ.
Dù có chút nghi ngại về tính thiếu bền vững của dòng tiền đầu cơ trong nước, nhưng không thể phủ nhận, chính lực đỡ của dòng vốn đầu cơ đã giúp thị trường hồi phục trong thời gian qua, dù chưa thể lấy lại những gì đã mất.
Dòng tiền nội cũng cho thấy sự linh hoạt khi liên tục bám theo các cổ phiếu được hưởng lợi từ các thông tin tích cực như đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, rồi lan tỏa sang các cổ phiếu có cơ hội hưởng lợi khi thị trường EU bắt đầu mở cửa trở lại…
Bản tin của các công ty chứng khoán đều chia sẻ nhận định, dòng tiền trong nước đang duy trì được vị thế cân bằng khá tốt, thậm chí mua nhiều hơn lượng nước ngoài bán ra do sự kỳ vọng phục hồi kinh tế đến sớm hơn, có thể chứng kiến dòng tiền mới từ người Việt ở nước ngoài chuyển về đang tích lũy cổ phiếu giá rẻ.
Muôn nẻo tìm cơ trong nguy
Nhịp giảm mạnh bất ngờ của thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tạo nên sức hấp dẫn với nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước. Chỉ trong tháng 3/2020, số lượng tài khoản mở mới đã tăng thêm 32.140 tài khoản.
Số liệu từ VNDIRECT cho thấy, Công ty đã ghi nhận số lượng tài khoản mở mới lên đến 39.000 tài khoản mới trong 4 tháng đầu năm 2020, chủ yếu tập trung trong tháng 3 và tháng 4/2020.
Trong đó, có những nhà đầu tư tham gia chứng khoán trở lại sau một thời gian gián đoạn, nhưng cũng có những nhà đầu tư lần đầu tiên mở tài khoản để tìm vận may với chứng khoán.
Từng đầu tư “gián tiếp” thông qua tài khoản của người thân, vừa qua, lần đầu tiên chị Mai tự mở tài khoản đứng tên mình và may mắn mua vào đúng đáy nên nhà đầu tư này ghi nhận mức lãi 17% sau gần 1 tháng, được hơn 200 triệu đồng.
Ðây là mức lợi nhuận không tưởng đối với chị Mai. Ham lợi, chị rút thêm tiền tiết kiệm bổ sung vào tài khoản. Sau khi chốt lãi và chuyển sang một cổ phiếu mới, tài khoản của chị Mai giảm 4% chỉ trong 5 phiên, khiến chị khá lo lắng. Ðây là tình cảnh phổ biến với các nhà đầu tư mới vào thị trường, nếu không có bản lĩnh vững vàng, thị trường giảm mạnh trở lại, nhà đầu tư rất dễ thua lỗ, mất niềm tin vào chứng khoán.
Thực tế cho thấy, có hai thời điểm mà nhiều nhà đầu tư mới hồ hởi tham gia chứng khoán là khi thị trường đạt đỉnh hoặc rơi sâu.
Tại thời điểm chỉ số VN-Index lập đỉnh hơn 1.172 điểm vào tháng 3/2018, đã có 41.505 tài khoản mở mới chỉ trong tháng này.
Phân tích kỹ có thể thấy, chỉ một số ít nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận trong đợt sóng ngắn và phải mua đúng bluechips, số lượng nhà đầu tư thua lỗ khá nhiều.
Còn gia nhập thị trường ở giai đoạn tháng 3 năm nay, tỷ lệ nhà đầu tư có lợi nhuận nhiều hơn thua lỗ.
Nhưng theo chia sẻ của anh Trần Minh Tuấn, nhà đầu tư bám sàn SSI, khó có nhà đầu tư nào “ăn” được từ đầu tới cuối sóng.
Thường thì sau 3 – 5 phiên, cùng lắm là 7 phiên, nhà đầu tư đã thực hiện chốt lời. Cũng theo anh Tuấn, tâm lý nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường thường chấp nhận để cổ phiếu bị lỗ lớn hơn là cho phép cổ phiếu đạt mức lãi lớn, nghĩa là thường “ăn non” nhưng khi không may thị trường đảo chiều, cổ phiếu giảm thì lại không bán ngay mà tiếp tục nắm giữ.
Ở thời điểm này, dù các chỉ số vẫn ghi nhận giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2020, nhưng mặt bằng giá nhiều cổ phiếu hiện đã được nâng lên, phần nào cân bằng giữa “lòng tham – nỗi sợ hãi” của các nhà đầu tư. Vì vậy, để thị trường tiếp tục bứt phá nếu chỉ quẩn quanh dòng vốn nội là rất khó.
Nói về cơ hội, ông Vũ Minh Ðức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, các nhà đầu tư mới cần phân tích kỹ và thận trọng. Việc mua mới ở thời điểm hiện tại vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong ngắn hạn. Thị trường chỉ có thể tăng trưởng bền vững khi có nguồn đầu tư mang tính trung và dài hạn, đặt niềm tin vào sức bật của doanh nghiệp và nền kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần mang tính đầu cơ nhất thời.