Ngày 28-9, phiên toàn thể của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuần lễ Công trình xanh do Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức.
Với chủ đề “Phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng: Cơ hội và thách thức”, Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 là sự kiện lớn và uy tín được tổ chức thường niên. Sự kiện năm nay thu hút khoảng hơn 1.000 đại biểu tham gia với các lĩnh vực như tư vấn thiết kế, kiến trúc, bất động sản, vật liệu xây dựng, thiết bị, công nghệ, sản phẩm cơ điện, sản phẩm nội thất xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp…
Tuần lễ Công trình Xanh năm 2023 có 1 phiên toàn thể và 4 hội thảo chuyên đề với nội dung: Chuyên đề 1: Phát triển nhà xưởng xanh, văn phòng xanh, tòa nhà xanh, hướng đến cải thiện chất lượng không gian sống và làm việc. Chuyên đề 2: Xu hướng sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Chuyên đề 3: Ứng dụng các thiết bị và công nghệ tiên tiến, hướng đến công trình xây dựng hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường, phát thải thấp và đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng. Chuyên đề 4: Tài chính xanh, tín dụng xanh – động lực để phát triển bền vững.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, theo nghiên cứu, đánh giá, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 37-40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải hơn 30% tổng lượng khí nhà kính. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, quy định, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đối với hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại phiên toàn thể.
Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh, việc phát triển công trình xanh được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích. Qua hơn 15 năm phát triển, Việt Nam có khoảng hơn 300 công trình xanh với tổng diện tích khoảng 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về số công trình xanh với 67 công trình và đứng thứ 2 về diện tích sàn xây dựng với tổng diện tích sàn được chứng nhận là 1,264 triệu m2. Các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp…
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, việc phát triển công trình xanh sẽ thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính góp phần đẩy mạnh chuyển đổi xanh ngành xây dựng.