Trong dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ tới đây sẽ có thêm phương án cho thương nhân phân phối xăng dầu mua bán của nhau.
Có thêm phương án cho doanh nghiệp phân phối xăng dầu được mua bán của nhau
Bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ tới đây, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp. Những ý kiến còn tranh cãi, Ban soạn thảo sẽ trình nhiều phương án để xem xét.
“Trong dự thảo tới, chúng tôi sẽ trình thêm phương án cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán của nhau như góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, để Chính phủ xem xét, quyết định phương án phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khách quan, khoa học”, bà Hiền cho hay.
Bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cơ quan soạn thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Phong Lâm
Tại tờ trình về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được xây dựng, Bộ Công Thương trình Chính phủ 2 phương án như sau:
Phương án 1: Dự thảo nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua bán xăng dầu với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Phương án 2: Dự thảo nghị định tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.
Với phương án 1, Bộ Công Thương cho rằng có ưu điểm thực hiện theo ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối. Cắt bỏ việc mua bán xăng dầu lòng vòng qua các thương nhân phân phối xăng dầu tạo số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.
Qua đó giúp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này, theo ban soạn thảo “có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, gây ra phản ứng của thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử”.
Với phương án 2, Bộ Công Thương cho biết có ưu điểm phù hợp với kiến nghị của các thương nhân phân phối xăng dầu. Tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối xăng dầu.
Tuy nhiên, nhược điểm là chưa thực hiện đúng ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra. Không xác định chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế trên thị trường khi các thương nhân mua bán qua lại lẫn nhau tạo số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.
“Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Khi doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu thì phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu do cơ quan quản lý Nhà nước quy định”, bà Hiền nói.
Cần hướng đến cơ chế thị trường
Về vấn đề thương nhân phân phối không được mua bán lẫn nhau, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điều này có khả năng vi phạm quy định Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, trong khi chúng ta luôn hướng tới doanh nghiệp được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
“Quan điểm của VCCI là việc quy định thương nhân phân phối chỉ được mua bán của thương nhân đầu mối, không được mua bán xăng dầu của nhau là điều không nên”, ông Tuấn chia sẻ.
Thẩm định nội dung dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tư pháp từng chỉ ra nhiều vấn đề cần được làm rõ, trong đó có liên quan đến pháp luật về cạnh tranh kinh doanh.
Dự thảo Nghị định quy định “thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”. Song, các thương nhân này lại “không được mua bán xăng dầu lẫn nhau”.
“Việc giới hạn như trên về nguyên tắc sẽ làm hạn chế lựa chọn nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối xăng dầu, có thể chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh tại Khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018”, Bộ Tư pháp nêu ý kiến thẩm định.
Khoản 2, Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định: “Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Với quy định ở trên, Bộ Tư pháp lưu ý, đề xuất ở nghị định xăng dầu đối với thương nhân phân phối nêu trên có thể được xác định là hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường bị nghiêm cấm được nêu tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh.
Theo Lao Động