T&T Group sẽ đưa điện gió từ dự án Sanvan 1, Lào về Việt Nam cuối năm nay.
Thông tin được Tập đoàn T&T Group đưa ra hôm 9/1 tại hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào. Trong khuôn khổ sự kiện, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào trao hợp đồng nhượng quyền dự án điện gió Savan 1 cho công ty TNHH MTV điện gió Savan1 – đơn vị thành viên của T&T Group.
Theo hợp đồng, Chính phủ Lào đồng ý Công ty TNHH MTV điện gió Savan 1 thiết kế, xây dựng, sở hữu và vận hành dự án điện gió Savan 1 để, đưa điện về Việt Nam thời hạn hợp đồng 25 năm. Dự án triển khai tại huyện Phin, tỉnh Savannakhet, tổng công suất lắp đặt 495 MW, tổng mức đầu tư khoảng 768 triệu USD. Dự kiến, giai đoạn một công suất lắp đặt 300 MW, tổng vốn đầu tư hơn 490 triệu USD, vận hành thương mại cuối năm nay.
T&T Group cho biết, đây là dự án điện gió trên bờ có quy mô lớn nhất của T&T Group đến hiện tại. Savan 1 góp phần mở rộng danh mục đầu tư, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa tổng công suất phát điện các nhà máy năng lượng tái tạo và phát thải carbon của tập đoàn đạt từ 12-15 GW vào năm 2035. Con số chiếm khoảng 10% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc tập đoàn T&T Group cho biết sự kiện là cột mốc khởi đầu chiến lược đầu tư năng lượng xuyên biên giới. “Nhà máy điện gió Savan 1 sẽ là dự án tiên phong và là nền tảng, cơ sở để tập đoàn tiếp tục đầu tư nhiều dự án năng lượng khác tại Lào trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình nhấn mạnh.
Theo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII của Chính phủ, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào khoảng 5.000 MW, có thể tăng lên 8.000 MW vào năm 2030. “Việc nhập khẩu điện từ Lào vào năm 2025 đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn cung, tăng cường khả năng đảm bảo cung ứng điện và giảm nguy cơ thiếu điện cho khu vực miền Bắc”, đại diện EVN cho biết.
Trước đó, tháng 8/2024, Thủ tướng phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ dự án nhà máy điện gió Savan 1 về Việt Nam. Chính phủ giao Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động, kịp thời hướng dẫn và triển khai các công việc liên quan; giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN và các cơ quan liên quan đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư, bảo đảm chắc chắn, đầy đủ cơ sở pháp lý và hiệu quả kinh tế.
Đến nay, hợp đồng mua bán điện giữa công ty TNHH MTV Điện gió Savan 1 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được ký kết.
Lô tuabin gió đầu tiên cập cảng Hòn La (Quảng Bình) ngày 7/1. Ảnh: T&T Group
Về phía T&T Group, việc đầu tư nhà máy điện gió Savan 1 và liên kết với lưới truyền tải quốc gia hiện thực hóa cam kết của doanh nghiệp trong việc mở rộng đầu tư lĩnh vực năng lượng sạch. “Điều này góp phần tăng nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia, từng bước hiện thực hóa cam kết hợp tác giữa hai nước, phù hợp định hướng nhập khẩu điện tại quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được thủ tướng phê duyệt”, đại diện T&T Group cho biết thêm.
Để thực hiện các hoạt động đưa điện về Việt Nam, công ty TNHH MTV điện gió Savan 1 ký thỏa thuận thu xếp vốn với ngân hàng MB. Theo đó, MBBank cam kết thu xếp và phân bổ gói tài trợ để chủ đầu tư triển khai giai đoạn một của dự án điện gió Savan 1
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV điện gió Savan 1 và ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MBBank trao thỏa thuận thu xếp vốn cho dự án điện gió Savan. Ảnh: T&T Group
Ngoài dự án tại Lào, hiện T&T Group vận hành 10 dự án điện gió, điện mặt trời trong nước tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Gia Lai. Tổng công suất lắp đặt và hòa lưới điện quốc gia đạt gần 1.000 MW. Ngoài ra, T&T Group cũng đang liên doanh cùng Kogas, Kospo, Hanwha (Hàn Quốc) triển khai dự án điện khí LNG Hải Lăng. Giai đoạn 1 có công suất 1.500 MW, vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, T&T Group hợp tác cùng Tập đoàn SK (Hàn Quốc) sản xuất hydrogen xanh, thu hồi khí thải carbon và tổ hợp khí tại Quảng Trị; bắt tay với Tập đoàn Erex (Nhật Bản) đầu tư nhà máy điện sinh khối; hợp tác Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; hợp tác với Cospowers và Goldwind (Trung Quốc) nghiên cứu đầu tư nhà máy sản xuất pin lưu trữ, phát triển dự án khu công nghiệp phụ trợ năng lượng.