Chỉ có 2 đơn vị tham gia trúng thầu 3.400 lượng vàng miếng với mức giá khá cao
Ngân hàng Nhà nước trưa 23-4 đã phát đi thông báo về kết quả đấu thầu vàng miếng diễn ra vào sáng cùng ngày. Theo đó, chỉ có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng. Như vậy, còn tới 13.400 lượng vàng mang ra đấu thầu bị “ế”.
Giá vàng vẫn tăng
Theo Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu này có tổng cộng 11 thành viên trực tiếp tham gia. Trong đó, 7 ngân hàng gồm: VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank và 4 doanh nghiệp (DN) là các công ty vàng bạc – đá quý: SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý.
Các doanh nghiệp tham gia buổi đấu thầu vàng miếng tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở Hà Nội Ảnh: TTXVN
Mức giá khởi điểm được đưa ra trong phiên đấu thầu là 81,3 triệu đồng/lượng, cao hơn so với giá thông báo trước đó 600.00 đồng/lượng. Kết quả, Công ty SJC trúng thầu 2.000 lượng với giá 81,33 triệu đồng/lượng; còn ACB trúng thầu 1.400 lượng với giá 81,32 triệu đồng/lượng.
Một diễn biến đáng chú ý là giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng ngay sau khi có kết quả đấu thầu. Cụ thể, các DN đã đẩy giá vàng miếng SJC trên thị trường lên 81 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 83,3 triệu đồng chiều bán ra – tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Diễn biến tăng của giá vàng miếng SJC đi ngược với đà lao dốc không phanh của giá thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới đã rơi tự do từ vùng 2.390 USD/ounce xuống chỉ còn 2.300 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết, kim loại quý này có giá khoảng 70,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC tới gần 13 triệu đồng/lượng – giãn rộng khoảng cách so với những ngày trước.
Bình luận về biến động giá vàng, ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc – Đá quý ASEAN (AJC – Hà Nội), cho biết thời điểm này, người dân gần như không mua – bán vàng vì họ đang nghe ngóng diễn biến của vàng thế giới lẫn kết quả đấu thầu vàng miếng SJC trong các phiên tiếp theo. Xu hướng của giá vàng trong vài ngày tới hết sức khó đoán.
Điều kiện đấu thầu chưa hợp lý?
Liên quan kết quả đấu thầu vàng ngày 23-4, chủ một DN kinh doanh vàng hàng đầu ở Hà Nội cho rằng các điều kiện đấu thầu vàng miếng SJC có phần chưa hợp lý. Bởi lẽ, với quy định 1 đơn vị phải đặt mua tối thiểu 1.400 lượng và mức giá tham chiếu trên 80 triệu đồng/lượng, DN phải đặt cọc 10%, tức khoảng 11 tỉ đồng. Sau khi có kết quả, đơn vị trúng thầu phải thanh toán ngay số tiền mua vàng cả trăm tỉ đồng. Điều này khiến không ít đơn vị không đủ năng lực tài chính để tham gia.
Theo chủ DN nói trên, sau khi trúng thầu, 2 ngày sau DN mới nhận được vàng. “Trong khoảng thời gian này, DN đấu thầu sẽ phải neo giá vàng SJC ở mức cao. Điều này khiến giá vàng trong nước rất khó thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Giả sử trong vài ngày tới, giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh, sức mua trong nước tăng lên, DN trúng đấu thầu vàng có thể đẩy giá vàng SJC lên cao. Khi đó, mục tiêu kéo giảm khoảng cách giá vàng trong và thế giới sẽ khó thực hiện được” – chủ DN vàng này băn khoăn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 23-4, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhận định giá trúng thầu vàng miếng quanh 81,3 triệu đồng/lượng vẫn còn quá cao để có thể thu hút các đơn vị tham gia bỏ thầu.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cũng cho rằng mức giá khởi điểm đấu thầu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vẫn còn cao trong bối cảnh giá vàng thế giới lao dốc mạnh.
“Nếu muốn kéo giá vàng miếng xuống thì Ngân hàng Nhà nước cần để giá sàn thấp hơn giá mua vào. Còn phiên ngày 23-4, vì DN vàng trúng thầu giá 81,33 triệu đồng/lượng trong khi biên độ chênh lệch giá mua – bán đang được các công ty vàng giữ ở mức 2 triệu đồng để phòng ngừa rủi ro nên họ buộc phải nâng giá bán ra, lên 83,3 triệu đồng/lượng” – ông Khánh phân tích.
Một vấn đề mà thị trường đang quan tâm là Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu bao nhiêu phiên và cung ra thị trường bao nhiêu lượng vàng miếng? Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận đấu thầu vàng miếng chỉ là một giải pháp tạm thời để ổn định thị trường. Về lâu dài, cần giải pháp căn cơ hơn.
Theo chuyên gia này, 16.800 lượng vàng (tương đương 600 kg) mỗi phiên đấu thầu là con số không lớn. Song, cũng không thể đấu thầu quá nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu vàng nguyên liệu trong bối cảnh tỉ giá đang căng thẳng.
“Việc đấu thầu vàng miếng mang tính chất ổn định tâm lý thị trường nhiều hơn. Về lâu dài, nên sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng Ngân hàng Nhà nước trao lại việc nhập khẩu vàng cho nhà kinh doanh có uy tín, dưới sự kiểm soát của nhà nước. Đồng thời, nên bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, cho phép một số thương hiệu vàng miếng khác cùng tham gia thị trường, tạo sự cạnh tranh bình đẳng” – ông Hiếu đề xuất.