Có lượng cau lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, song trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam cũng nhập khẩu mặt hàng này với giá trị vọt tăng 324%.
Nước ta có những vùng chuyên trồng và chế biến cau lớn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, loại quả này có những lúc giá chỉ 3.000-7.000 đồng/kg, nhưng khi Trung Quốc “ăn hàng” giá lại tăng phi mã lên tới 60.000-90.000 đồng/kg.
Cùng với xuất khẩu, nước ta cũng nhập khẩu lượng lớn cau. Thông tin từ Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong 8 tháng năm 2024, các thương nhân và doanh nghiệp đã chi ra gần 9 triệu USD để nhập khẩu cau (tương đương 225 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu cau tăng vọt 324%.
Với con số trên, cau đứng thứ 15 và chiếm 0,78% giá trị nhập khẩu nhóm quả và hạch quả nhập khẩu về Việt Nam trong 8 tháng năm nay, tăng 0,37 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Các lò sấy cau ở Nam Định đang đẩy mạnh mua hàng để sản xuất. Ảnh: Trọng Tùng
Một thương nhân mua bán cau cho biết, cau cũng giống như các loại nông sản khác, việc xuất nhập khẩu là câu chuyện bình thường. Khi doanh nghiệp hay các lò sản xuất thiếu nguyên liệu để trả đơn hàng thì sẽ phải nhập khẩu cau từ các nước khác về.
Hiện, cau được sử dụng như một vị thuốc quý. Trong Đông y, cau là vị thuốc để chữa một số bệnh liên quan đến hệ tiêu hoá, ngăn ngừa thiếu máu, chữa dị ứng ngoài da, chống viêm họng và giữ ấm cơ thể…
Ngoài ra, cau non còn được sử dụng để sản xuất kẹo và là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn. Loại kẹo cau rất phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là vùng lạnh nhờ có công dụng chống viêm họng và giữ ấm cơ thể.
Theo Vietnamnet