Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành và lãnh đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ TN&MT đã họp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cùng lãnh đạo các đơn vị của ba Bộ về một số nội dung dự thảo Luật BVMT (sửa đổi).
Với mục tiêu hình thành một đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục sự chồng chéo, xung đột, thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về BVMT của các Luật có liên quan. Luật BVMT phải tạo được nền tảng pháp lý hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, phù hợp song phải khắc phục được mặt trái của kinh tế thị trường. Đồng thời, sẽ thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước từ mệnh lệnh hành chính rườm rà, phức tạp sang vai trò kiến tạo thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường chế tài xử lý; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia các hoạt động BVMT, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm; thống nhất quản lý nhà nước về BVMT…
Tại các cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng Bộ TN&MT đã cùng thảo luận với Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng để đưa ra những giải pháp thống nhất về dự án Luật BVMT (sửa đổi).
Về nội dung liên quan tới các công cụ kinh tế được quy định trong dự thảo Luật như thuế và phí BVMT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, hiện nay nước ta đang trong quá trình hội nhập nên thực tiễn còn nhiều vấn đề bất cập, do đó để đi tới quan điểm chung cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ. Ngoài ra, với những nội dung khác Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cơ bản thống nhất với những ý kiến được cơ quan soạn thảo đưa ra.
Đối với một số nội dung dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) liên quan đến pháp luật về đầu tư, đầu tư công và quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đâu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình hoàn toàn với các vấn đề được nêu ra trong buổi làm việc. Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của Bộ TN&MTtrong góc độ quản lý nhà nước và sự quyết tâm trong việc thực hiện dự án Luật BVMT (sửa đổi) với nhiều quan điểm cải cách, tư duy đổi mới phù hợp với tiến trình phát triển hiện nay.
Trên góc độ kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cơ quan soạn thảo Luật BVMT (sửa đổi) đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam cao hơn trước đây, thậm chí cao hơn các nước tiên tiến trên thế giới để thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược mới với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế – xã hội – môi trường bền vững.
Về một số nội dung dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) liên quan đến các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng như: trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT; thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường; BVMT trong hoạt động xây dựng tại khu đô thị, khu dân cư tập trung đông; quy định cấp giấy phép xây dựng liên quan đến hạng mục, công trình xử lý môi trường.
Bộ trưởng Bộ TN&MT và Bộ trưởng Bộ Xây dựng thống nhất cao: cần đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật để tăng hiệu quả quản lý nhà nước, mỗi lĩnh vực phải có Luật gốc. Liên quan đến môi trường, Luật Xây dựng phải bám theo để đảm bảo tính thống nhất. Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trong Luật Xây dựng đồng bộ về cấp nước, thoát nước trong khu đô thị nên quy hoạch BVMT sẽ thực hiện về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất thải rắn sinh hoạt, nước thải. Mỗi lĩnh vực chỉ giao cho một Bộ quản lý, các Bộ khác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan và Bộ TN&MT cần làm rõ thêm những nhiệm vụ này trong dự thảo Luật…
Trân trọng sự quan tâm và các ý kiến đóng góp của các Bộ trưởng cho dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, các Bộ đã làm rõ những vấn đề còn tồn tại, đồng thời đã có sự thống nhất ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật BVMT (sửa đổi).
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện đang có 2 phương án cho dự án đầu tư, nếu do các Bộ phê duyệt thì khâu thẩm định do các Bộ thực hiện để giảm tải cho địa phương; phương án 2 theo hướng triệt để, thẩm định dự án giao cho địa phương để quản lý sát và theo dõi cả vòng đời dự án.
Liên quan đến BVMT khu đô thị sinh thái, Bộ trưởng cho rằng, do Luật Xây dựng 2014 và dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) chưa có quy định về tiêu chí và hoạt động chứng nhận khu đô thị sinh thái nên thực tế chưa khuyến khích phát triển mô hình này. Về bản chất, khu đô thị cũng là một loại hình dự án kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải cần được xử lý, phải thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường.
Đồng thời thống nhất quan điểm một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện và chịu trách nhiệm; khuyến khích phát triển các khu đô thị sinh thái thân thiện môi trường, cần bổ sung quy định về trách nhiệm thống nhất xây dựng tiêu chí, chứng nhận nhãn sinh thái cho các cơ sở, sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường của Bộ TN&MT, trong đó có các khu đô thị, khu dân cư tập trung; đối tượng này sẽ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Điều 152 dự thảo Luật. Quản lý nhà nước về khu đô thị, khu dân cư tập trung… do Bộ Xây dựng quản lý; xử lý nước thải, chất thải trong các khu đô thị, khu dân cư tập trung sẽ do Bộ TN&MT quản lý. Trên cơ sở thống nhất ý kiến của các Bộ, ngành, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện dự án Luật BVMT (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội, bảo đảm đồng bộ với các pháp luật khác có liên quan.