Xe đạp Thống Nhất từng được coi như biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, niềm mơ ước của hàng triệu người. Những chiếc xe thời ấy được cấp biển số, giấy chứng nhận không khác gì xe máy, ô tô ngày nay, được gìn giữ trong mỗi gia đình như một báu vật.
Công ty sản xuất chiếc xe đạp đó là công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là nhà máy xe đạp Thống Nhất, được thành lập vào ngày 30/6/1960. Với thời kỳ trước đó, chẳng khó gì để hãng này lấy được cảm tình từ khách hàng. Bản thân hãng chiếm vị trí “độc quyền” trên thị trường, khi là một thương hiệu Việt với sản phẩm được chú trọng đến từng chi tiết, vì thế chất lượng của hãng không thua kém gì những chiếc xe nhập khẩu từ Châu Âu hay Nhật Bản.
Xe đạp Thống Nhất từng được coi như một biểu tượng của sự giàu có, thành đạt.
Xe đạp Thống Nhất trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Nhà máy được thành lập năm 1960 thì năm 1965, nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong đời một cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Ai được phân phối sẽ kèm theo một sổ mua phụ tùng. Quyết định là vậy nhưng một năm, xí nghiệp hàng trăm người cũng chỉ được phân phối chưa đến mười chiếc. Có người được phân phối chiếc xe Thống Nhất, quý đến mức không dám đi, về treo xe lên trong nhà, hai bánh không để chạm đất, thỉnh thoảng ngồi ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu.
Nếu ngày nay xã hội Việt Nam lấy những chiếc siêu xe là thước đo chuẩn mực để xếp hạng xem người này có khá giả hay không, thì quay ngược lại những năm 80-90 của thế kỷ trước, khi mà xe đạp là phương tiện phổ biến nhất thời bấy giờ, chắc chắn rằng, nếu gia đình nào sở hữu cho mình chiếc xe đạp, mà nhất là “xe đạp Thống Nhất” thì đó chắc chắn là gia đình quan chức, khá giả.
Xe đạp Thống Nhất xuất hiện trong ký ức của những đứa trẻ 8x,9x là một sản phẩm vô cùng chất lượng, không thua kém gì Peugeot hay Audi. Một chiếc xe đạp Thống nhất có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ, một số tiền quá lớn đối với mức thu nhập của nhiều gia đình Việt Nam những năm tháng đó.
Hồi đó, xe Thống Nhất được coi như biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, niềm mơ ước của hàng triệu người. Hình mẫu của người đàn ông “chuẩn men”, một nữ sinh thanh lịch. Còn thời chiến, xe đạp được gọi là ngựa sắt chiến trường. Nhiều đội quân xe đạp thồ được thành lập, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc.
Xe đạp Thống Nhất xưa
Đánh vào chất lượng, cũng như định vị mình là dòng xe cao cấp, chính là phương thức truyền thông lúc bấy giờ của xe đạp Thống Nhất. Chính cách làm này đã khiến cho hãng có một thời kỳ vẻ vang về doanh thu cũng như danh tiếng.
Thế nhưng, việc mở cửa kinh tế cũng như sự thay đổi khi xe máy dần trở thành phương tiện phổ biến hơn, khiến Thống Nhất không còn được coi trọng như trước nữa. Hiện nay, hãng vẫn hoạt động nhưng ở mức khá “lay lắt”, thậm chí, hãng còn phải nhập khẩu nhiều thương hiệu xe đạp khác để có thể “sống sót” trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện tại.
Đến nay xe đạp Thống Nhất vẫn dẫn đầu sản xuất và kinh doanh xe đạp trong nước nhưng sức sống của thương hiệu không còn được như xưa. Với slogan “Nghĩ đến xe đạp – nghĩ đến Thống Nhất”, công ty này muốn “đánh” vào giá trị thương hiệu ngày nào, nhưng giờ nếu có “nghĩ về Thống Nhất” thì thường chỉ là những người của thời bao cấp, đã qua cái tuổi đi xe đạp.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách đúng đắn, xuất khẩu xe đạp với chất lượng tốt, giá thành phù hợp và chia sẻ xe đạp có thể là mảnh ghép còn thiếu trong một mô hình mà Thống Nhất có thể tính tới trong tương lai.
Việt Nam (Thương hiệu Sản phẩm)