Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, trong những điểm mới nổi bật có nội dung giá bán điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường.
Xóa bất cập bù chéo giá điện
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Luật điện lực (sửa đổi) năm 2024 được thông qua đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài.
Trong đó có việc xóa bỏ bù chéo phù hợp với cấp độ phát triển thị trường điện và định hướng cơ chế giá điện phù hợp với từng cấp độ phát triển thị trường điện. Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh.
Giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện.
Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội từng thời kỳ để đảm bảo duy trì chính sách an sinh xã hội đã được thực hiện ổn định từ năm 2014 đến nay.
Luật cũng quy định một trong những căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ điện là giá bán lẻ điện phản ánh kịp thời biến động thực tế thông số đầu vào, bù đắp các chi phí, đồng thời thảo Luật cũng quy định cách thức xác định tỷ suất lợi nhuận và thời gian điều chỉnh giá điện.
Qua đó giá điện dần bám sát biến động thực tế của thông số đầu vào, đảm bảo thu hồi chi phí và lợi nhuận hợp lý, đảm bảo nguyên tắc theo cơ chế thị trường.
Giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường. Ảnh: EVN
Tạo ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo
PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trước khi sửa đổi, thị trường điện Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cạnh tranh, dẫn đến tình trạng độc quyền và thiếu sự minh bạch trong việc phân phối điện.
Luật sửa đổi đã có những quy định rõ ràng về việc mở rộng và phát triển thị trường điện, đặc biệt là xây dựng các cơ chế cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia.
“Trong thời gian qua, sự phát triển của năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió) tại Việt Nam gặp không ít khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ rõ ràng và hiệu quả.
Luật Điện lực sửa đổi đã tạo ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, như xây dựng cơ chế giá hợp lý, hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo và thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp tăng cường nguồn cung năng lượng tái tạo, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc”, PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.
Vị chuyên gia cho rằng, trước khi sửa đổi, việc quản lý giá điện còn gặp khó khăn, thiếu sự linh hoạt và chưa minh bạch. Điều này đôi khi dẫn đến sự không công bằng giữa các nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc dự báo và lập kế hoạch kinh doanh.
Luật sửa đổi đã đưa ra các cơ chế quản lý giá điện linh hoạt hơn, giúp điều chỉnh giá điện phù hợp với cung – cầu thị trường.
Một trong những nghẽn lớn là sự phát triển không đồng bộ của hạ tầng điện, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Các khu vực này thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn điện, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội.
Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển hạ tầng điện tại các khu vực này, từ đó đảm bảo việc cung cấp điện ổn định và công bằng cho mọi khu vực trên cả nước.
Với nhu cầu điện ngày càng tăng và sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, vấn đề an ninh năng lượng là một thách thức lớn. Luật sửa đổi đã có những quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu các nguy cơ gián đoạn cung cấp điện từ các yếu tố bên ngoài.