Dù Nghị định 100 thực thi nghiêm ngặt, Sabeco vẫn lãi hơn 1.161 tỷ đồng trong quý III, tức khoảng 12 tỷ đồng mỗi ngày, nhờ kinh tế cải thiện, tiết giảm chi phí bán hàng.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB) cho thấy doanh thu đạt hơn 7.670 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với quý III năm trước.
Trong đó, doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm 32% về hơn 253 tỷ đồng chủ yếu do lãi tiền gửi giảm. SAB đang có hơn 22.400 tỷ mang gửi ngân hàng tính đến cuối tháng 9.
Về các chi phí, nhóm tài chính được cắt giảm mạnh khoảng 36% còn 12,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng – nhóm gây tiêu tốn nhất cho doanh nghiệp – cũng giảm 22% về khoảng 868 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí quảng cáo và khuyến mãi. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10% lên hơn 224 tỷ đồng.
Kỳ này, các công ty liên doanh, liên kết của Sabeco ghi nhận hoạt động kinh doanh khó khăn. Phần lãi của nhóm này chỉ gần 51 tỷ đồng, giảm 34%.
Tổng lại, Bia Sài Gòn có hơn 1.161 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 8% so với quý III năm trước. Trung bình mỗi ngày, họ lãi hơn 12,6 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty cho biết doanh thu thuần cao hơn cùng kỳ do tình hình kinh tế cải thiện, dù Nghị định 100 vẫn thực thi nghiêm ngặt và cạnh tranh trên thị trường gia tăng. Lợi nhuận ròng cải thiện nhờ họ tiết giảm được chi phí bán hàng.
Lũy kế 9 tháng, Sabeco có gần 22.940 tỷ đồng doanh thu và hơn 3.504 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 5% và 7% so với cùng kỳ năm trước. Công ty hoàn thành khoảng 67% chỉ tiêu doanh thu và đã đi được hơn ba phần tư kế hoạch lợi nhuận năm.
Năm nay, ban lãnh đạo dự báo thị trường bia vẫn đối diện nhiều khó khăn. Các bất lợi là người dân thắt chặt chi tiêu, chi phí đầu vào ở mức cao, Nghị định 100 và đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. Công ty sẽ phải tập trung tối ưu hoạt động thương mại, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, tìm cách cắt giảm chi phí.
Những quý trước, Sabeco thường tăng trưởng doanh thu nhờ tăng giá bán. Theo Chứng khoán FPT (FPTS), điều này giúp biên lợi nhuận gộp mảng bia ít biến động mạnh trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào gia tăng với biên độ lớn. Tuy nhiên, tăng giá bán cũng gây tác động tiêu cực đến thị phần tiêu thụ của doanh nghiệp khi cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Số liệu từ Euromonitor cho thấy giai đoạn 2018-2023, thị phần bia của Sabeco giảm mạnh từ mức 42% xuống còn 33,9%. Từ năm 2022, Heineken đã vượt mặt hãng bia Sài Gòn để trở thành thương hiệu chiếm thị phần cao nhất Việt Nam.
Tuy nhiên đây là quý đầu tiên, sức mua được ghi nhận phục hồi thực nhờ tình hình kinh tế cải thiện. Trước đó vào quý II, ban lãnh đạo SAB cho SSI Research biết họ đã giành thị phần đáng kể do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và công ty cũng giành lại vị trí dẫn đầu.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán SBS đánh giá thị phần của Sabeco đã ghi nhận sự tăng trưởng nhờ ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là phân khúc khách hàng trẻ và cao cấp. Công ty cũng tổ chức nhiều sự kiện lớn nhằm tăng cường sự nhận diện thương hiệu và kết nối với người tiêu dùng. Điều này không chỉ củng cố vị trí trên thị trường mà còn tạo cơ hội gia tăng doanh số.