Là quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 6 trên thế giới, mỗi năm người Việt Nam ăn gần 34kg thịt lợn. Nhưng ít người biết, 1kg thịt lợn phát thải 4,84kg CO2 ra môi trường.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ 2021-2023, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước có thị phần sản lượng thịt lợn cao nhất thế giới. Và trong số 10 quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 6.
Tiêu thụ thịt lợn bình đầu người của Việt Nam dần tăng lên trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 30kg thịt lợn xẻ/năm, năm 2022 là 32 kg/người/năm và năm 2023 con số này đã tăng lên 33,8kg. Thịt lợn cũng là thực phẩm chính trong mâm cơm của người Việt.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân và hơn 10 triệu du khách quốc tế, quy mô ngành chăn nuôi lợn cũng được mở rộng qua các năm.
Theo đó, năm 2023, tổng lượng lợn hơi xuất chuồng tăng lên 52,9 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,8 triệu tấn. Tính đến cuối tháng 6 năm nay, tổng số lợn của cả nước ước đạt gần 25,55 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi đạt gần 2,54 triệu tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.
1kg thịt lợn phát thải ra 4,84kg CO2 tương đương. Ảnh: Nam Khánh
Quy mô ngành chăn nuôi lợn tăng kéo theo lượng phát thải chất thải rắn, chất thải lỏng gia tăng. Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), giai đoạn 2019-2023, mỗi năm có trung bình 63,2 triệu tấn phân và trên 348,9 triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần phải được xử lý, tái sử dụng để bảo vệ môi trường. Trong đó, chăn nuôi lợn chiếm 39% chất thải rắn và nước thải chiếm 90%.
Về phát thải khí nhà kính, kết quả kiểm kê cho thấy ngoài bò, chăn nuôi lợn luôn chiếm phần lớn trong tổng phát thải khí nhà kính của ngành này.
Cụ thể, nếu tính trung bình khối lượng lợn tiêu chuẩn xuất chuồng là 90kg, một con lợn phát thải khoảng 438kg CO2 tương đương, tức cứ 1kg thịt lợn phát thải ra môi trường khoảng 4,84kg CO2 tương đương.
Như vậy, với số lượng đầu lợn xuất chuồng của chúng ta dao động khoảng 50 triệu con mỗi năm, lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi lợn là lớn nhất ngành, khoảng 22 triệu tấn CO2 tương đương/năm.
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung ngành chăn nuôi (lợn, bò) vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.
Theo dự thảo, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tức là, hàng nghìn trang trại chăn nuôi lợn ở nước ta sẽ phải thực hiện kiểm kê, sau đó thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao.
Ông Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết, một phần lượng chất thải trong ngành chăn nuôi lợn được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho hệ thống công trình khí sinh học tạo năng lượng tái tạo, nuôi côn trùng…
Ngoài ra, công nghệ áp dụng trong hệ thống chuồng trại hiện nay rất đa dạng, góp phần kiểm soát vấn đề môi trường chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đơn cử, hệ thống chuồng nuôi kín đầu tư công nghệ cao phổ biến tự động hóa kiểm soát tiểu khí hậu chuồng nuôi bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và hàm lượng khí thải CO2, NH3, H2S… bằng các thiết bị cảm biến điện tử. Các trang trại cũng tích cực sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để duy trì hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp và nông dân đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi để sản xuất năng lượng sạch và phân bón hữu cơ. Cùng với đó, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải, cải thiện môi trường chăn nuôi và nguồn đệm lót sau xử lý dùng để bón cho cây trồng…
Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh, theo lộ trình giảm phát thải ròng carbon như cam kết của Chính phủ.
Giai đoạn 2010-2016, Cục Chăn nuôi đã chủ trì phát triển dự án tín chỉ carbon theo cơ chế Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard), hỗ trợ các hộ gia đình chăn nuôi lắp đặt hệ thống thu hồi biogas để sử dụng làm nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Theo thông tin của cơ chế tín chỉ, trong suốt vòng đời dự án đã phát hành được hơn 3 triệu tín chỉ carbon và thực hiện giao dịch.