Rác thải nhựa có thể thành “vàng” nếu tái chế đúng cách nhưng mỗi năm, theo WB, Việt Nam mất gần 3 tỷ USD vì lượng lớn rác nhựa không được tái chế.
Báo cáo Nhân rộng sáng kiến cho tuần hoàn nhựa với đầu tư vào ASEAN của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 6/2024 ước tính bốn nước ASEAN mất 8,9 tỷ USD mỗi năm do không thu hồi được khoảng 80% giá trị vật liệu nhựa.
Trong đó, Việt Nam mất 2,9 tỷ USD do thất thoát 75% giá trị vật liệu nhựa. Số liệu này cập nhật đến năm 2021, tính toán dựa trên tỷ lệ 67% rác nhựa giá trị cao không được thu gom và một phần nhựa tái chế mất giá hay thất thoát trong sản xuất.
Polyester PET – một nguyên liệu nhựa dùng trong vải dệt – có tỷ lệ thất thoát cao nhất, tới 99%, tương đương 330 triệu USD mỗi năm. Tỷ lệ thu gom loại này chỉ ở mức 1%, do công nghệ tái chế sản phẩm polyester pha trộn (công nghệ tái chế hóa học) vẫn đang trong giai đoạn phát triển sớm trên toàn cầu và chưa có ở Việt Nam.
Gia đình ông Trần Mạnh Du (quận Gò Vấp) phân loại rác để bán phế liệu tại nhà, ngày 5/8/2019. Ảnh: Thành Nguyễn
Thiếu đầu ra từ nhựa tái chế chất lượng cao là một trong những nguyên nhân Việt Nam phải nhập khẩu tới 70% nguyên liệu nhựa. Năm 2023, Việt Nam nhập hơn 6,8 triệu tấn nhựa, tương đương gần 9,8 tỷ USD.
Ông Hoàng Đức Vượng – Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh Việt Nam – cho rằng ngành tái chế có thể thu được cả tỷ USD mỗi năm nếu thu gom và tái chế triệt để.
Một trong những hạn chế của ngành là nguyên liệu thu gom từ nguồn tới đơn vị tái chế không ổn định về giá, lượng và chất, vốn thuộc phần lớn vào lực lượng lao động không chính thức – “ve chai” và việc phân loại rác thải trước thu gom.
Liên quan tới quy định phân loại rác thải tại nguồn, đại diện Công ty cổ phần Tái chế Duy Tân cho biết hạ tầng hiện chưa đồng bộ.
Theo hướng dẫn, người dân phân loại rác thải làm ba loại gồm giấy – nhựa – kim loại có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn khác. Tại một số nơi, xe rác tới lại gom chung một thùng.
Bên cạnh đó, nhiều thiết kế bao bì sản phẩm chưa tính tới chuyện tái chế. Một cốc cà phê mua mang đi thường có thân làm từ nhựa PP, nắp PET và ống hút PE. Một chai hóa mỹ phẩm dạng vòi nhấn (pump) có thân chai làm từ nhựa cứng HDPE, vòi pump từ nhựa PP, trong vòi có lò xo bằng kim loại. Cơ sở tái chế phải có riêng người đập vòi pump, bỏ lò xo, sau đó mới cho được vào máy nghiền.
Ông Hoàng Đức Vượng – Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh Việt Nam – lấy thêm ví dụ túi nilon tại các siêu thị, logo thương hiệu in tràn lan lên một mặt túi. Ông Vượng tính toán về giá trị, mực in nhập về Việt Nam cỡ 500 triệu USD một năm, khi tái chế sẽ tạo ra benzen, rất độc.
Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh Việt Nam đề xuất học hỏi quy định của một số nước, đặt mức trần cho kích thước in trên diện tích bề mặt túi, ví dụ không quá 10%, để ba bên cùng có lợi. Doanh nghiệp tiết kiệm tiền mực, người làm tái chế hăng hái hơn khi bớt độc hại, qua đó giảm tải lượng nilon ra môi trường.
Không chỉ yếu ở khâu thu gom, năng lực tái chế của Việt Nam cũng còn hạn chế. Ông Vượng, cho biết ngành tái chế của Việt Nam dù qua 40 năm, năng lực chỉ tương đương em bé, khi phần lớn sản xuất tập trung ở các làng nghề.
Doanh nghiệp tái chế giờ hổng cả đầu vào và thị trường. Với đầu vào tái chế, các sản phẩm nhựa giá rẻ, chất lượng kém tràn lan, vòng đời sản phẩm ngắn, là nguyên liệu rất “tạp”, thành phẩm đầu ra khó đảm bảo. Trong khi đó, thị trường đầu ra của nhựa tái chế khó cạnh tranh với nhựa nguyên sinh cả về giá thành lẫn chất lượng sản phẩm cuối.
Theo báo cáo của World Bank, nếu cạnh tranh về giá, các cơ sở tái chế ở Việt Nam cho biết sản phẩm tái chế phải có mức giá thấp hơn giá sản phẩm nhựa nguyên sinh từ 15-30%. Khi giá nhựa nguyên sinh giảm xuống tương đương hoặc thấp hơn nhựa tái chế, các công ty sản xuất sẽ chuyển sang dùng nhựa nguyên sinh.
Ví dụ năm 2020, giá nhựa nguyên sinh (chủ yếu là HDPE và LDPE) xuống thấp hơn mức cần thiết để ngành tái chế có lợi nhuận. World Bank cho rằng chính sách có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để ngành tái chế nhựa trong nước tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, khâu thu gom phần lớn phụ thuộc vào khu vực phi chính thức – lực lượng “ve chai”. Ông Vượng cho biết một trong những vấn đề của thu gom là người thu gom phải mua chai nhựa, lon nhôm từ người dân, tức bỏ giá vốn, sau đó bán lại cho các vựa lấy chút chênh lệch.
Ở các nước, người bỏ rác nhựa ra môi trường là phải trả thêm tiền. Ở Thái Lan, người ve chai đi bằng ôtô để gom, chai nhựa được người dân cho không. Người ve chai Việt Nam phải mua và đi xe đạp. “Thử tưởng tượng nếu không còn ve chai, chúng ta sẽ phải sử dụng một lực lượng lớn logistics và nhân công để thu gom”, ông Vượng nói.
Ông cũng hy vọng 15 năm tới, người làm ve chai Việt Nam cũng có thể dùng ôtô gom rác thải giá trị cao như người Thái.