UBND tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức hội thảo “Xây dựng các tuyến, tour với Công viên địa chất Đắk Nông”, hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng Công viên địa chất một cách bền vững.
Đắk Nông là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều điểm đến hoang sơ, độc đáo. Có thể kể đến hệ thống thác nước như: thác Đ’ray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ… Đắk Nông còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, rộng hơn 12.300 ha; Vườn quốc gia Tà Đùng rộng hơn 22.937 ha với hệ sinh thái đa dạng. Đặc biệt, Công viên địa chất Đắk Nông đã được tỉnh trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Cảnh hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao |
Theo ông Phan Công Việt, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đắk Nông, từ một tỉnh có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, đến nay tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, sản phẩm để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 khu, điểm du lịch đã có chủ trương phát triển du lịch; 204 cơ sở lưu trú với khoảng 2.139 phòng. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách đạt 9,15%/năm; doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân đạt 10,4%/năm. Tuy nhiên, ngành du lịch Đắk Nông vẫn còn nhiều thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng.
Đại diện một công ty du lịch nhận định: Đắk Nông có nhiều cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng, tuy nhiên do các điểm đến cách xa nhau nên việc di chuyển khó, mất thời gian, trong khi dịch vụ cho du lịch chưa có nhiều để giữ chân khách, kéo dài ngày tham quan. Hiện nay, với việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch, phát triển các dịch vụ kèm theo thì Đắk Nông sẽ là lựa chọn của nhiều du khách. Vấn đề đặt ra là phải tạo ra được các chuỗi giá trị du lịch, đào tạo nguồn nhân lực…
Hang động núi lửa độc đáo trong Công viên địa chất Đắk Nông |
Đại diện Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: để phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cao, Đắk Nông cần xây dựng hệ thống chính sách thu hút đầu tư du lịch. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch là đặc thù của địa phương, để nâng cao tính cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho du lịch, tạo dấu ấn riêng, mang tầm vóc quốc gia, để không những thu hút khách trong nước mà cả khách quốc tế. Cùng với đó, phải nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và phát huy được những giá trị văn hóa và tự nhiên. Điều quan trọng nữa là tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, hình thành thương hiệu du lịch Công viên địa chất Đắk Nông.
Thác Đ’ray Sáp |
Thạc sĩ Trần Nhị Bạch Vân, thành viên chuyên trách Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông cho biết: với định hướng phát triển du lịch “Xứ sở của những âm điệu”, tỉnh đã quy hoạch đầu tư 44 điểm đến, hình thành 3 tuyến du lịch đặc trưng. Tuyến 1 có chủ đề “Trường ca của lửa và nước”, là hành trình khám phá các giá trị địa chất nổi bật trên cung đường từ thị xã Gia Nghĩa về huyện Krông Nô; trong đó có hệ thống hang động núi lửa độc đáo và các thác nước. Tuyến 2 có tên “Bản giao hưởng của làn gió mới”, là sự kết nối các giá trị văn hóa – lịch sử trên cung đường uốn lượn bắt đầu từ huyện Cư Jút về thị xã Gia Nghĩa. Tuyến 3 có chủ đề “Âm vang từ Trái đất”, từ thị xã Gia Nghĩa đến Vườn quốc gia Tà Đùng; sẽ mang đến những trải nghiệm về cảnh quan thiên nhiên cũng như khám phá những âm điệu của vùng đất này. Các tuyến du lịch này hứa hẹn góp phần vào việc mở rộng không gian du lịch khu vực Công viên địa chất Đắk Nông, đem lại những khám phá mới mẻ cho du khách, mở rộng cánh cửa cho sự phát triển của ngành du lịch địa phương.
Hoạt động văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại Đắk Nông |
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, khẳng định tỉnh luôn tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Địa phương mời gọi các tổ chức, cộng đồng và doanh nghiệp tham gia vào phát triển du lịch, dịch vụ để phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Đắk Nông trên cơ sở bảo tồn và phát huy tối đa các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa nổi bật, đa dạng sinh học. Tỉnh cũng tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng nên một Công viên địa chất mang đặc trưng riêng, phát triển một cách bền vững theo các mục tiêu và định hướng của UNESCO.
Với những định hướng đầu tư phát triển du lịch đúng đắn, Đăk Nông hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn để du khách trong, ngoài nước đến tham quan, khám phá; góp phần phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.