Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi sẽ bỏ ngưỡng doanh thu cụ thể chịu thuế này với cá nhân, hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định.
Thông tin này được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu khi kết luận phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14/11, cho ý kiến dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi.
Theo dự thảo Luật Thuế VAT sau tiếp thu, chỉnh lý, ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 200 triệu đồng một năm, tăng 100 triệu đồng so với hiện hành.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết quá trình làm việc Chính phủ đề nghị được giao thẩm quyền quy định ngưỡng doanh thu tính thuế này. Việc này nhằm đảm bảo điều hành, phù hợp thực tế và bối cảnh kinh tế xã hội thay đổi. Đây cũng là quan điểm của Chính phủ đưa ra khi trình lần đầu dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi tại kỳ họp 7, hồi tháng 5.
Việc nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế là đi ngược chủ trương khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, theo Chính phủ.
Thảo luận ở hội trường về dự luật sửa đổi này ở kỳ họp 8 đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội cũng không đề nghị Chính phủ quy định mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT. Có ý kiến đề nghị nâng mức ngưỡng doanh thu này lên trên mức 200 triệu, thậm chí 300-400 triệu đồng những năm tới.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế VAT, sáng 14/11. Ảnh: Media Quốc hội
Song, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách phương án của Chính phủ chưa phù hợp vì Hiến pháp quy định “các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định”. Bên cạnh đó, ngưỡng doanh thu không chịu thuế liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế. Trường hợp này là những cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập thấp trong xã hội – tương đương doanh thu 8,3 triệu đồng một tháng, theo mức hiện hành là 100 triệu đồng một năm.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhìn nhận việc tăng lên mức 200 triệu đồng một năm (tương đương 16,6 triệu đồng một tháng) là mức thấp. Các hộ có mức doanh thu dưới ngưỡng này khó có thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Tại cuộc họp của Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách và cơ quan soạn thảo ngày 11/11, cơ quan soạn thảo thống nhất với mức ngưỡng 200 triệu một năm và bỏ quy định điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Phần lớn ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách thống nhất với phương án xử lý này. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nói cần xin lại ý kiến lãnh đạo Chính phủ để có thể đạt được sự thống nhất.
Giải trình tại phiên họp hôm nay, Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn nói Thủ tướng tha thiết đề nghị giao thẩm quyền Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế. Còn ban soạn thảo – Bộ Tài chính thấy rằng điều chỉnh lên mức 200 triệu doanh thu mỗi năm không chịu thuế, cũng phù hợp.
Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Tài chính. Ảnh: Media Quốc hội
Sẽ lấy ý kiến đại biểu về áp thuế 5% với phân bón hay không
Dự thảo sau chỉnh lý quy định chuyển phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang áp thuế suất 5%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu khi thảo luận không đồng ý việc áp thuế với mặt hàng này do lo ngại ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân.
Số khác cho rằng cần áp thuế để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Bởi phân bón không trong diện chịu thuế VAT, họ không được hoàn thuế khiến hàng trong nước không cạnh tranh được với nhập khẩu, giá tăng.
“Nếu không đánh thuế với phân bón sẽ không bảo vệ được sản xuất trong nước. Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội”, Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định nói, lưu ý cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần giải trình cặn kẽ, tính tác động nếu áp thuế 5% thế nào… để đại biểu có thông tin.
Ông Lê Quang Mạnh cho biết Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đã bổ sung số liệu, thông tin theo đề nghị của các đại biểu Quốc hội.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan hoàn thiện, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội việc áp thuế 5% với phân bón hay không, để tạo sự đồng thuận trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự luật này vào ngày 26/11.