Giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp và tác động ngày càng lớn hơn đến bức tranh kinh tế toàn cầu.
7h00 ngày 17/03/2020, giá vàng trong nước được SJC Hà Nội niêm yết ở mức 45,90 – 46,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chưa có sự điều chỉnh về giá so với cuối phiên hôm qua.
Tương tự, tại SJC TP. Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 45,90 – 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng tại chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng tại chiều bán ra.
Tại Phú Qúy SJC niêm yết giá vàng ở mức 45,10 – 46,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 900.000 đồng/lượng tại chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng tại chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Tại PNJ Hà Nội và PNJ TP.HCM niêm yết giá vàng ở mức 45,20 – 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 45,20 – 46,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 750.000 đồng/lượng tại chiều mua vào và giảm 150.000 đồng/lượng tại chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Cuối phiên giao dịch ngày 16/3, giá vàng 9999 được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 45,90 – 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 45,10 – 46,40 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới
Giá vàng giao ngay giảm 0,39% xuống 1503,60 USD/ounce theo Kitco; vàng giao tháng 4 tăng 1,42% lên 1507,60 USD, ghi nhận vào lúc 6h55 (giờ Việt Nam) ngày 17/3.
Giá vàng sụt giảm khi các nhà đầu tư bán tài sản để bù lỗ cho cổ phiếu – thị trường đã mất 14 nghìn tỉ USD giá trị trong tháng qua.
Sự suy giảm của vàng là một đọng thái bất ngờ do kim loại quí được coi như một tài sản an toàn, thường mạnh lên trong thời kì căng thẳng thị trường tài chính và khi lãi suất toàn cầu đang giảm.
Tuy nhiên, với việc chứng khoán Mỹ giảm thêm 10% và thị trường toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, các nhà đầu tư có thể chọn bán vàng để bù đắp các khoản lỗ.
Chỉ số Fed fund futures của Mỹ đã chạm mức giới hạn thấp lần thứ 3 trong vòng chưa đầy một tuần, trong khi chứng khoán châu Âu chạm mức thấp nhất kể từ năm 2012 trước bối cảnh giới đầu tư phản ứng với việc hạ lãi suất khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.
Trước đó, Fed đã giảm 1% lãi suất cho vay vào Chủ nhật (15/3), đưa mức lãi suất xuống phạm vi 0% đến 0,25%, mức thấp kỉ lục trong thời kì khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Đọng thái của Fed diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc họp chính sách của tổ chức này (dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay 17/3). Ngân hàng trung ương cũng cho biết sẽ bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng, với việc sử dụng ít nhất 700 tỉ USD để mua chứng khoán được thế chấp trong những tuần tới.
Một số ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng được dự báo sẽ có những động thái kích thích kinh tế, trong đó Ngân hàng Nhật Bản tăng cường chương trình mua tài sản, Ngân hàng Dự trữ Úc cung cấp thêm thanh khoản và Ngân hàng New Zealand sẽ giảm 75 điểm cơ bản lãi suất xuống mức 0,25%, theo TheStreet.