Trong thời gian qua tính đến trước 31/3, nhiều ngân hàng thương mại đã tham gia triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất từ 0,5% đến 1,5% với tổng giá trị khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng.
Quy mô dư nợ được Vietcombank hỗ trợ chủ yếu là khách hàng doanh nghiệp, ước tính khoảng 78.000 tỷ đồng.
Vietcombank và Agribank là 2 trong 4 ngân hàng đăng ký hỗ trợ khách hàng trên quy mô dư nợ, thay cho gói tín dụng cụ thể. Theo đó, quy mô dư nợ khách hàng mà Agribank dự kiến hỗ trợ ước khoảng 100.000 tỷ đồng, tức khoảng 9% tổng dư nợ ngân hàng này đạt được năm 2019. Lưu ý rằng do Agribank gắn với thị trường nông nghiệp nông thôn, việc bó hẹp hỗ trợ trên quy mô dư nợ của Agribank sẽ là một hạn chế đối với mục tiêu tiếp sức cho các khách hàng khu vực này vượt qua mùa dịch.
Còn Vietcombank, việc hỗ trợ chủ yếu hướng đến khách hàng doanh nghiệp, ước tính ban đầu khoảng 78.000 tỷ đồng. Nếu dịch diễn biến kéo dài, quy mô dư nợ được hỗ trợ dự kiến sẽ tăng lên 100.000 tỷ đồng.
Năm 2019 Ngân hàng có lợi nhuận đứng thứ 2 trên thị trường là Techcombank, đến nay chưa “xây” gói tín dụng hỗ trợ cụ thể cho khách hàng khắc phục thiệt hại COVID-19. Điều này cũng dễ hiểu khi Techcombank đang có dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản chiếm 77,2% tổng dư nợ tín dụng cuối 2019, nhưng thị trường này hiện khá “căng”. Tuy nhiên, Techcombank là 1 trong 20 ngân hàng đã được biểu dương vì đã tích cực, chủ động hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Song cũng có những tổ chức tín dụng tham gia các gói tín dụng dè dặt với lãi suất không có tính hỗ trợ cao. Chẳng hạn như LienVietPostBank có dư nợ 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng, nhưng chỉ hỗ trợ cho vay ngắn hạn với lãi suất giảm 0,5%, đi kèm là các điều kiện như phải xếp hạng tín dụng B trở lên và tranh thủ bán bảo hiểm Anti Covid cho khách hàng trước khi Thủ tướng yêu cầu các đơn vị bảo hiểm dừng giới thiệu, triển khai sản phẩm bảo hiểm COVID-19. Hay như gói “Vay ưu đãi – Lãi an tâm” mà ABBank tung ra từ ngày 11/2 dành cho các khách hàng cá nhân vẫn có mức lãi suất lên tới 9,7%/năm – 11,2%/năm…
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng sau thời gian triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, trên cơ sở báo cáo rà soát định kỳ tháng về tiến độ triển khai gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng, NHNN nên đánh giá để có bức tranh cụ thể cho phương hướng chính sách phù hợp thực tế.
Theo quy định, trong vòng 10 ngày tới, các NHTM sẽ có kỳ báo cáo đầu tiên. Kỳ báo cáo này có thể sẽ chưa cập nhật khoảng thời gian khó khăn cả từ phía ngân hàng lẫn các khách hàng khi thực hiện cách ly xã hội. Kết quả rà soát ban đầu và “lắng nghe thị trường” từ những diễn biến mới sẽ là nền tảng để NHNN xây dựng kịch bản dự phòng khác nhau và điều chỉnh thúc đẩy hỗ trợ phù hợp cho giai đoạn sau 15 ngày kế tiếp. Động thái này cũng là để tránh các gói, chương trình được công bố nhưng mức độ, hiệu quả hỗ trợ không rõ ràng.
Ngày 31/3//2020, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại để triển khai các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục tác động, khó khăn do dịch COVID-19. Tín hiệu tích cực là các ông lớn đầu ngành đã đăng ký giảm lãi suất mạnh hơn, với mức giảm lãi bình quân từ 2%/năm. Đánh giá cao động thái của các ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi vay từ 1 – 1,5%/năm, nay NHNN khuyến khích mức giảm tối thiểu 2%/năm và có thể giảm sâu hơn nữa để cứu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng với việc giảm lãi suất cho vay, ông Tú cũng lưu ý các ngân hàng cần quyết liệt triển khai các biện pháp như cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.